menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Bang

Hai tháng dập dịch ở Thủ đô

Lập 22 chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ, phân ba vùng chống dịch, năm lần thay đổi giấy đi đường... là những biện pháp Hà Nội áp dụng trong hai tháng cách ly xã hội.

Khi nam dân quân tự vệ 30 tuổi, làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa của phường Chương Dương, có triệu chứng ho, sốt, xét nghiệm dương tính nCoV, quyết định phong tỏa phường được quận Hoàn Kiếm triển khai ngay hôm 31/7. Hơn 23.000 cư dân phường này "ở đâu yên đấy" sau lớp barie cách ly.

Bà Trần Thị Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy phường Chương Dương, xác định đây là một "cuộc chiến dữ dội", bởi hàng trăm đầu việc phát sinh mỗi ngày, đều cần xử lý gấp. Nhiều lúc điện thoại bà nóng ran, bị đơ vì cùng lúc nhận cuộc điện và tin nhắn công việc. Nữ bí thư không về nhà, khăn gói quần áo lên phường chỉ huy chống dịch.

Đây là thời điểm Hà Nội đã bước vào cách ly xã hội một tuần, bắt đầu từ 23/7. Quyết định được chính quyền đưa ra khi ca mắc mới mỗi ngày ghi nhận ở mức 50 - 60, xuất hiện 7 ổ dịch cộng đồng chưa rõ nguồn lây và số ca nhiễm ở mức 656.

"Nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu", lãnh đạo Hà Nội khẳng định hôm 23/7, vài giờ trước khi chỉ thị cách ly có hiệu lực.

Ngay trong đêm, 22 chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội dựng barie, tăng quân kiểm soát ra vào. Nhiều nơi trong nội thành, biển "vùng xanh" lần lượt được dựng lên; còn ngoại thành, người dân mang cả gạch đá, lưới sắt rào ngõ ngách vào làng để chống dịch.

15 ngày cách ly xã hội đợt đầu kết thúc hôm 6/8 với kết quả không như kỳ vọng, khi thành phố ghi nhận thêm hơn 900 ca nhiễm. Số mắc mới tăng bình quân 71 ca mỗi ngày, nhiều ca cộng đồng phát sinh tại chợ đầu mối, siêu thị, khu dân cư.

Sau đó, Hà Nội đã phải ba lần gia hạn Chỉ thị 16, mỗi đợt 15 ngày, lần lượt tới 23/8, 6/9 và 6h ngày 21/9.

Biện pháp phòng chống dịch liên tiếp được nâng cấp và điều chỉnh qua bốn đợt giãn cách. Trong đó, những biện pháp thực hiện nhất quán gồm: Đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ siêu thị, chợ, cơ sở khám chữa bệnh...; tạm dừng vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, xe "ôm" công nghệ. Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng được hoạt động, song phải đáp ứng yêu cầu chống dịch của thành phố (đăng ký hoạt động với địa phương, chuẩn bị phương án "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến"...).

Lãnh đạo Hà Nội cũng xác định tập trung một số biện pháp cấp bách, như: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mất vị giác; tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với khu vực nguy cơ, người về từ vùng dịch...

Ngoài ra, ban đầu Hà Nội chia "vùng xanh"- nơi không có dịch; "vùng cam" là các cơ quan, đơn vị thiết yếu được hoạt động và "vùng đỏ" là khu cách ly, phong tỏa; sau đó phân thành ba vùng chống dịch dựa trên vị trí địa lý và đặc điểm dân cư.

Chính quyền kiểm soát người tham gia giao thông bằng giấy đi đường với 5 lần điều chỉnh trong hai tháng; mạnh tay xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng. Công an lập 12 tổ kiểm soát liên ngành, dựng chốt kiểm soát trên đường phố cũng như liên tục tuần tra, xử lý vi phạm.

Hai tháng dập dịch ở Thủ đô
Dân quân phường Văn Miếu đứng gác tại chốt trong đêm trăng rằm tháng Bảy (Âm lịch), hôm 22/8, khi phường bị phong tỏa vì 22 ca dương tính Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành
Trong tháng 8, Hà Nội hai lần lấy mẫu xét nghiệm quy mô lớn. Đợt đầu tiên (9/8 - 22/8), ngành y tế lấy 1,1 triệu mẫu bằng phương pháp PCR cho người dân "vùng đỏ", phát hiện 83 ca dương tính. Đợt hai thu hẹp còn 200.000 mẫu, tập trung nơi nguy cơ cao, như khu tập thể cũ đông người, địa bàn tiếp giáp ổ dịch, phát hiện 11 ca dương tính.

Thành phố cũng khởi động chiến dịch tiêm chủng diện rộng, bắt đầu từ quận Hoàn Kiếm hôm 28/7. Tính đến ngày 7/9 khi bước sang đợt cách ly cuối cùng, thành phố tiêm tổng cộng 12 đợt, trên 2,6 triệu mũi.

Dù tổng lực dập dịch, song đợt cách ly thứ ba vào cuối tháng 8, số nhiễm bình quân mỗi ngày vẫn trên 71, có thời điểm lên tới 133 (hôm 29/8). Địa bàn cùng lúc bùng phát nhiều ổ dịch phức tạp, đặc biệt là ba chùm lây nhiễm trong khu đông dân cư như Thanh Xuân Trung, Văn Miếu - Văn Chương và HH4C Linh Đàm.

Việc xét nghiệm diện rộng, kiểm soát giấy đi đường xuất hiện một số điểm ùn ứ; nhiều tuyến đường nội thành trong thời gian giãn cách vẫn đông phương tiện..., khiến một số chuyên gia lo ngại Hà Nội sẽ khó kiểm soát dịch bệnh.

Bất ngờ kiểm tra ổ dịch Thanh Xuân Trung hôm 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó yêu cầu Hà Nội khắc phục ngay những bất cập trong phòng chống dịch. Trong vòng một tuần, ông đã hai lần nhắc nhở Hà Nội, gồm cả chấn chỉnh việc cấp giấy đi đường.

Hai tháng dập dịch ở Thủ đô
Lực lượng y tế lấy mẫu người dân tại ổ dịch Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, tháng 9/2021. Ảnh: Ngọc Thành
Trong suốt hai tháng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội áp dụng chiến lược "mỗi xã, phường là pháo đài chống dịch". Công việc chống dịch dồn dập tới tay cán bộ cơ sở, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly.

42 ngày đêm trong vùng phong tỏa, nhiều cán bộ, nhân viên phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) ăn ngủ tại chốt, canh gác 24/7 tại các cửa ngõ ra vào và hơn 300 ngõ phố. Tám nhân viên y tế phường cùng quận chia nhau lấy mẫu xét nghiệm liên tục. Nhiều cán bộ khi làm nhiệm vụ đã trở thành F0, F1 phải đi cách ly, điều trị. Song khó khăn nhất là trấn an tinh thần 23.000 cư dân sống trong vùng dịch.

"Người sống lâu trong vùng phong tỏa sợ mất việc làm, người ở trong khu chung cư cũ bí bách, tù túng, mình đều phải trấn an, cố gắng đáp ứng những nhu cầu nhỏ nhất về đồ ăn, nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế", bà Trần Thị Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy phường Chương Dương, chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung (ổ dịch nóng nhất ở thủ đô), nhớ lại những ngày cực kỳ căng thẳng khi phát hiện ổ dịch tại ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi hôm 23/8. "Thông thường, các ổ dịch khi phát hiện thì truy vết và khống chế nhanh, nhưng ổ dịch trên địa bàn càng kiểm tra thì càng xuất hiện nhiều F0", ông nói.

Khi ca nhiễm tại ổ dịch này lên tới 379 và tiếp tục tăng chỉ sau một tuần bùng phát, chính quyền di chuyển hơn 1.200 người khỏi khu dân cư, đi cách ly tập trung tại Đại học FPT (Hòa Lạc).

Tình hình chuyển biến mau lẹ từ 8/9, khi thủ đô bước vào chiến dịch thần tốc tiêm vaccine và xét nghiệm toàn thành phố. Gần 8.000 y bác sĩ của 12 tỉnh phía Bắc lần lượt đổ về giúp thủ đô chống dịch. Hơn 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm trong một tuần, giúp Hà Nội hoàn thành trên 2 triệu mũi tiêm. Cộng dồn đến hết ngày 18/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó có trên 5,6 triệu mũi một, đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Trong đợt xét nghiệm diện rộng cuối cùng trước ngày nới lỏng, thành phố đã lấy gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm, trong đó 2,9 triệu mẫu PCR, 1,2 triệu mẫu test nhanh; phát hiện 21 ca dương tính.

Hiện, Hà Nội chủ trương thu hẹp dần quy mô xét nghiệm, lấy mẫu người có yếu tố dịch tễ, trong khu phong tỏa, nơi nguy cơ cao.

Hai tháng dập dịch ở Thủ đô
Người dân Hà Nội xếp hàng đợi tiêm vaccine trong đêm 9/9 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Ảnh: Giang Huy
Trong đợt giãn cách thứ tư từ 7/9 đến 20/9, Hà Nội ghi nhận 353 ca mắc nCoV, trong đó 32 ca tại cộng đồng. So với 3 đợt giãn cách trước, số ca mắc trong đợt giãn cách thứ tư giảm rất mạnh, chỉ còn 27,7 ca mỗi ngày so với 71,2 ca trong đợt giãn cách thứ nhất.

Thành phố vẫn còn 10 chùm ca bệnh tại 10 phường, xã thuộc 9 quận, huyện; tuy nhiên, "tình hình đã cơ bản được kiểm soát", theo phát biểu của lãnh đạo Hà Nội hôm 15/9.

Ba ngày trước đó, quận Hoàn Kiếm đã dỡ rào chắn, chốt kiểm soát ngõ 105 Vọng Hà, phường Chương Dương. Sau ba lần thu hẹp quy mô phong tỏa, toàn phường chỉ còn phong tỏa một phần ngõ 117 Vọng Hà. Bí thư Vân mất giọng sau những ngày ngày liên tục nghe điện thoại. Bà tạm ôm quần áo về nhà, ăn bữa cơm rồi lại quay lên phường lo chống dịch trong giai đoạn mới.

Từ 6h hôm nay (21/9), Hà Nội chuyển về thực hiện Chỉ thị 15, bỏ phân vùng chống dịch, ngừng kiểm soát giấy đi đường song vẫn duy trì 23 chốt cửa ngõ kiểm soát người ra vào. Các sở ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, lên phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá hai tháng chống dịch của Hà Nội là "thành công" khi không để bùng phát rộng. Bởi thành phố đông dân, giao lưu đi lại phức tạp. Số ca nhiễm đã giảm, ổ dịch rút gọn, vùng xanh đã tăng lên.

Song ông cho rằng, việc nới lỏng cần thận trọng khi dịch bên ngoài vẫn có thể tràn vào, hoặc tại cộng đồng còn những ca bệnh "lẩn khuất" mà chưa hết được. Việc xuất hiện ổ dịch tại phường Việt Hưng, Long Biên hôm 18/9 là ví dụ.

Thời gian tới, thành phố vẫn nên tập trung xét nghiệm các nhóm nguy cơ, đặc biệt là những người ho sốt để sớm phát hiện F0 hoặc ổ dịch. Nhưng nguy cơ đến đâu, phong toả đến đó, làm chặt nhất, nhỏ nhất để dập dịch mà không ảnh hưởng kinh tế, xã hội, an sinh một cách không đáng có.

"Người dân cũng không nên chủ quan. Càng mở cửa thì càng phải tránh lơ là, bởi lúc giãn cách ai cũng thực hiện tốt 5K, nhưng hết thì lại đâu vào đấy. Quan trọng là Hà Nội cần đẩy mạnh việc tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng", ông Phu góp ý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại