Hải quan mở tờ khai lúc 0h, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưng hửng
Bà Trần Ngọc Châu - phó giám đốc Công ty TNHH Angimex - Kitoku (AKJ) - cho biết đã có công văn cầu cứu Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đến việc không xuất khẩu gạo được vì Hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm.
Theo bà Châu, dù công ty AKJ đã mở tờ khai Hải quan ngay trong sáng ngày 11-4 cho các lô hàng đã đóng vào container, có số container, số chì đầy đủ hiện đang nằm chờ tại cảng Mỹ Thới nhiều ngày qua.
Do không thể truy cập được vào hệ thống Hải quan để khai báo cho các lô hàng nên AKJ đã liên hệ với Hải quan cảng Cát Lái nơi sẽ làm thủ tục thanh lý thì được trả lời phải chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương và hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Vì là ngày nghỉ cuối tuần nên doanh nghiệp hy vọng đến thứ Hai 13-4 sẽ có hướng dẫn cụ thể để khai báo Hải quan.
Tuy nhiên, đầu giờ sáng Chủ nhật ngày 12-4, AKJ được báo tin hệ thống Hải quan đã cho mở tờ khai xuất khẩu gạo trong vòng từ 0h30 đến khoảng 3h30 rạng sáng 12-4 và hiện số lượng đăng ký xuất trên website của Hải quan là 399.989 tấn.
Ngay lập tức, AKJ mở các tờ khai hải quan đã khai báo sẵn (khai nháp). Tổng cộng, AKJ đang có số lượng hàng chờ xuất khoảng 892 tấn gồm 17 tờ khai đã có số tờ khai nhưng chưa được xác nhận thông quan, phân luồng.
"Không chỉ công ty chúng tôi mà rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo bức xúc tột độ vì hàng trăm tấn gạo nằm ngoài cảng chờ từ ngày 24-3 đến nay nhưng không xuất được.
Điều đáng nói là chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ Hải quan về ngày, giờ mở mạng khai báo hải quan xuất khẩu gạo trong suốt ngày 10-4 sau khi nhận được thông báo từ Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương.
Tại sao Tổng cục Hải quan lại mở cửa cho khai báo lúc 'nửa đêm' như vậy? Việc cho mở tờ khai Hải quan vào giữa đêm như vậy là không công khai minh bạch" - bà Châu nói.
Còn ông Lâm Thế Giới - chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Mỹ Thới (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), cho biết khi Bộ Công thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn thì tỉnh An Giang có được 100.000 tấn nhưng có đến 95% là doanh nghiệp ngoài tỉnh lấy được hạn ngạch xuất khẩu.
"Đa số các doanh nghiệp đã 'ghi trước' số lượng gạo xuất khẩu lên hệ thống điện tử Hải quan nên khi Tổng cục 'mở cửa' là số lượng gạo xuất bật lên hệ thống liền. Chỉ có 1 doanh nghiệp ở An Giang đăng ký được, còn lại là doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nhưng có thể có ngoài tỉnh này có vùng nguyên liệu xuất khẩu tại An Giang" - ông Giới nói.
Vì hạn ngạch xuất khẩu gạo có giới hạn 400.000 tấn nên các doanh nghiệp rất mong muốn nhận được thông tin hướng dẫn công khai, minh bạch và chính xác với các tiêu chí được xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu gạo nên được phân bổ rõ ràng cho tất cả doanh nghiệp từ sự xem xét công tâm nhất của các đơn vị chủ quan, tạo sự công bằng và ổn định cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Trung Kiên - phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) - cho hay rất nhiều doanh nghiệp thành viên của VFA cũng không kịp mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo sau khi Thủ tướng cho phép xuất trở lại.
"Nhiều doanh nghiệp phản ánh, cách làm của hải quan không hợp lý, nhiều doanh nghiệp không có thông tin Hải quan cho mở tờ khai nên không kịp trở tay", ông Kiên xác nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận