24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hai nguy cơ cho tương lai kinh tế Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn sẽ là mô hình phát triển phù hợp nhất trong thời gian tới để vừa đảm bảo sự tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường.

Kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn trong tương lai khi nguồn tài nguyên dần cạn kiệt và môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.

Mở đầu phần nội dung về kinh tế xanh trong báo cáo Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành là một câu nhận xét “khắc nghiệt” nhưng “không có gì đáng ngạc nhiên” bởi ai cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường những thiệt hại do công tác xử lý chất thải chưa tốt gây ra.

Theo xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, Việt Nam có hai đại diện góp mặt là thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ 10 và Hà Nội ở vị trí thứ 17, với chỉ số ô nhiễm đều trên 90.

Ô nhiễm của những đô thị ở Việt Nam có thể sẽ còn tiếp tục trầm trọng hơn, khi dân số khu vực này ngày càng gia tăng. Cụ thể, dân số thành thị ở Việt Nam từ 15 triệu người vào năm 2000 đã vọt lên mức 34 triệu người vào năm 2018 và ước tính đạt 50 triệu vào năm 2035.

Chỉ có 40 - 60% rác thải được đưa vào bãi rác và rất nhỏ trong số đó có thể đem đi tái chế. Lượng rác thải còn lại được người dân, thậm chí là nhiều doanh nghiệp sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường, xuống sông, hồ, biển, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Sự cố môi trường ở nhà máy Vedan, Formosa... chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Các chuyên gia ước tính, thiệt hại đến từ công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải chưa tốt ở Việt Nam có thể rơi vào khoảng từ 6 – 8% GDP, chưa tính đến những tác hại lâu dài mà ô nhiễm môi trường gây ra trong tương lai.

Gần đây, những diễn biến tiêu cực do tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng và khó dự đoán hơn trước. WB cho biết, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 9 trên thế giới về việc gánh chịu những rủi ro do biến đổi khí hậu.

Mô hình tăng trưởng thiếu bền vững

Giống như nhiều nước đang phát triển khác, suốt 25 năm vừa qua, Việt Nam đã tạo ra tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào thâm dụng vốn tự nhiên.

Cụ thể, từ năm 1990 đến năm 2014, giá trị ước tính của vốn tự nhiên, bao gồm tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản rơi vào mức 32%, gấp hơn ba lần so với trung bình các nước Đông Nam Á.

WB nhìn nhận, không có gì sai khi Việt Nam tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, mô hình phát triển thâm dụng quá nhiều vốn tự nhiên đang ngày càng chứng tỏ sự thiếu bền vững và không còn phù hợp với thời kỳ hiện nay.

Mô hình tăng trưởng như trên được gọi là tăng trưởng theo chiều rộng, đem lại hậu quả là sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khiến môi trường dần suy thoái.

Ví dụ, trước đây Việt Nam có khoáng sản than rất dồi dào, sản lượng khai thác đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng từ năm 2016 đã phải nhập khẩu thêm than để phục vụ quá trình sản xuất.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam cần một mô hình toàn diện và hiệu quả hơn để có thể duy trì hiệu quả của nền kinh tế, khi nguồn vốn tự nhiên đang trên đà suy thoái.

Mô hình đó cần thúc đẩy vai trò của vốn nhân lực và vốn sản xuất để bù đắp cho việc cắt giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Những đề xuất chính sách

Báo cáo của WB nhận định, có rất nhiều cách để hướng tới một nền kinh tế xanh, nhưng tất cả đều đòi hỏi sự thay đổi đến từ tư duy và nhận thức của mỗi cá nhân, doanh nghiệp cho tới chính quyền địa phương các cấp.

Theo đó, những cải thiện nhỏ chỉ là biện pháp khắc phục trước mắt. Để có thể thực hiện được chiến lược phát triền theo hướng lâu dài, cần “đánh giá lại cách thức phát triển và thực hiện công nghệ, sản phẩm và dịch vụ, thực tiễn quản lý, quy định pháp lý và các nguyên tắc, quan hệ đối tác và mô hình kinh doanh”.

Những xu thế phát triển kinh tế xanh trên thế giới đã cho thấy, kinh tế tuần hoàn sẽ là mô hình phát triển phù hợp nhất trong thời gian tới để vừa đảm bảo sự tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của mô hình kinh tế này yêu cầu tối thiểu hóa nhất có thể việc thải ra môi trường thông qua tái chế, hoặc nếu có thì chất thải phải không gây hại đến môi trường và thu hồi được năng lượng.

Thực hiện mục tiêu hướng tớinền kinh tế tuần hoàn, chính phủ cần bắt đầu từ những bước nền tảng, dễ thực hiện như tập trung quản lý chất thải và thúc đẩy mua bán sản phẩm thứ cấp trên thị trường.

Khái quát những đề xuất dành cho Việt Nam, WB đưa ra các chính sách dựa trên 3 nội dung lớn:

Thứ nhất, cần hoàn thiện các chính sách giá, cần có những công cụ hỗ trợ về giá để thúc đấy tiêu dùng xanh hay gắn biểu giá cho chi phí cung cấp dịch vụ, sản phẩm gắn với cả tác động liên quan đến môi trường, như thuế khí thải các bon, giá chất thải…

Các chính sách này có thể gây ra khó khăn về chính trị, xã hội trong dài hạn, nên cần được áp dụng dần dần theo lộ trình để mọi người có thể thích nghi và bắt kịp sự thay đổi.

Thứ hai là những chính sách, quy định về đầu tư. Theo đó, Việt Nam cần đưa những quy định gắn liền với môi trường vào luật đầu tư để gắn nhà đầu tư với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các sản phẩm gây hại có thể bị hạn chế, thậm chí là cấm đầu tư nếu cần thiết.

Mặc dù trong thời đại hiện nay, có lẽ ai cũng phần nào hiểu được tác hại của ô nhiễm và tính cấp bách của vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để chuyển từ suy nghĩ sang hành động cần nhiều hơn thế.

Vì vậy, chính phủ nên ban hành nhiều chương trình khuyến khích hay hỗ trợ về tài chính để có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế.

Chính sách về đầu tư phải có sự phối hợp giữa các ngành, cân đối với nhu cầu phát triển của ngành nghề và khu vực.

Bên cạnh việc đầu tư vào môi trường, cần khuyến khích cả những dự án tăng cường khả năng thích ứng của các vùng đối với biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, xây dựng hệ thống thông tin là điều cần thiết và có thể tiến hành áp dụng ngay. Các chuyên gia của WB đề nghị Việt Nam xây dựng một hệ thống thông tin về kinh tế và môi trường, với sự tham gia đóng góp của các bộ ban ngành.

Hệ thống này sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp dữ liệu để thiết kế chính sách, đưa ra phương án sử dụng tài nguyên hiệu quả cũng như đánh giá kết quả của những chính sách về kinh tế và môi trường đã được ban hành.

Để đảm bảo tính hiệu quả, hệ thống dữ liệu cần được xây dựng một cách minh bạch, công khai, có sự hỗ trợ chặt chẽ của cả các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời cần cập nhật liên tục, chính xác và cụ thể.

Công tác giáo dục về môi trường cũng phải được đẩy mạnh, với vai trò cung cấp kiến thức, khuyến khích tạo thói quen và thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng không gây hại cho môi trường.

Đây là cơ sở cốt lõi để hạn chế những tình trạng như xả rác bừa bãi, lạm dụng nhựa, lạm dụng nhiên liệu hóa thạch hay lãng phí tài nguyên và năng lượng.

Bản báo cáo ghi nhận những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã tích cực và sáng tạo trong công tác đẩy mạnh bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững, ví dụ như việc xây dựng khung pháp lý để quản lý tài nguyên, khoảng sản hay phát hành trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục phát huy những chính sách này song song với triển khai những đề xuất mà Ngân hàng Thế giới đưa ra để có thể giải quyết tốt hơn các thực trạng còn tồn tại, tiến tới xây dựng một đất nước Việt Nam giàu có, bền vững và thịnh vượng..

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả