menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

Hai "huyết mạch" của nền kinh tế đều đang có điểm tắc nghẽn

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, dòng chảy tài chính và dòng chảy vật lý đều đang có điểm nghẽn. Do vậy, tập trung chuyển đổi số vào hai "mạch máu" này là điều cần làm.

Ngày 20/5, Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Viện FNF đã được tổ chức với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ".

Hai "huyết mạch" của nền kinh tế đều đang có điểm tắc nghẽn
​ Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo chỉ ra, đại dịch covid-19 diễn ra phức tạp tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế trong năm 2021. Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ phải đối mặt với sức ép rất lớn từ đại dịch cũng như từ những chính sách phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nhiều ngành, lĩnh vực đã trở thành dấu ấn quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích ứng và dần hồi phục trở lại vào cuối năm 2021.

Chuyển đổi số vẫn đang được tiếp cận hẹp

Sang đầu năm 2022, mặc dù đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các con số và dự báo từ Tổng cục Thống kê, song, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn có phần chậm nhịp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, Việt Nam cẩn đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ĐMST và nâng cao nền tảng kinh tế số.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, kinh tế số cũng như những xu hướng khác như kinh tế xanh, tuần hoàn, chia sẻ… là một trong những động lực quan trọng để định hình nền kinh tế hiện đại mang tính toàn cầu.

“Chúng ta có chiến thắng trong giai đoạn mới này hay không, nằm ở việc chúng ta có chuyển đổi số thành công hay không. Đây là cuộc cạnh tranh lớn nhất, khốc liệt nhất, đồng thời cũng khó khăn nhất”, ông Lộc nhấn mạnh.

Hai "huyết mạch" của nền kinh tế đều đang có điểm tắc nghẽn
​TS. Vũ Tiến Lộc

Ở mức độ tổng quan, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho biết, Covid-19 đã làm 69% doanh nghiệp ở Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trong đó ngành dịch vụ có tỷ lệ lao động mất việc trên 50%; dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động.

Trái ngược với các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch Covid-19 không những không làm suy giảm nền kinh tế số, mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy doanh nghiệp và Chính phủ chuyển đổi.

Thực tế cho thấy, quá trình CĐS ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành như y tế, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính và logistic…Tuy nhiên, chính quá trình này cũng gây cho Việt Nam không ít những thách thức, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để có thể thúc đẩy tốc độ CĐS.

Cụ thể về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, ở thời điểm hiện tại, hầu hết chúng ta vẫn đang coi công nghệ thông tin là trụ cột của CĐS, đây gọi là công nghệ hoá thông tin, chứ không phải CĐS. Việc số hoá, đưa tất cả lên nền tảng trực tuyến như ngân hàng số, thương mại điện tử… chỉ là những bước đầu tiên cơ bản của quá trình CĐS.

CĐS là phải thay đổi mô hình quản lý nền kinh tế và mô hình quản trị doanh nghiệp. Từ đó, nếu giữ nguyên thủ tục hành chính hiện nay hoặc cải tiến không đáng kể, chỉ đưa thêm hình thức trực tuyến vào thì không có tác dụng.

“Toàn bộ vấn đề CĐS, đặc biệt thể hiện trong các văn kiện, Nghị quyết hay chương trình hành động đều đang được tiếp cận vấn đề theo nghĩa hẹp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nếu mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không thay đổi, không thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, đồng thời, không đưa ra những mô hình vật lý cho tổ chức nền sản xuất sang mô hình quản lý thông minh, thì doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số vào cũng không có tác dụng bao nhiêu.

Theo đó, CĐS nền kinh tế là một cuộc cách mạng, là một cuộc cải cách từ mô hình kinh doanh và mô hình quản trị nhà nước. Nếu tất cả vẫn là con người ứng xử, con người phân tích, con người đưa ra quyết định thì không phải CĐS theo đúng ý nghĩa của nó.

Đặc biệt, đối với hai dòng chảy đang có điểm nghẽn ở môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam - dòng chảy về tài chính và dòng chảy vật lý. Theo đó, dòng chảy tài chính là hệ thống “bơm” vốn cho nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán; bên cạnh đó, dòng chảy vật lý chính là dòng chảy để lưu thông hàng hoá.

"Đây được coi là hai mạch máu của nền kinh tế, vậy nên, CĐS cần tập trung vào hai vấn đề này. Để thực hiện điều này, nhận thức vẫn là điều cốt lõi", đại diện Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho hay.

Qua đó, hướng tới mục đích đúng đắn của CĐS để giải phóng trí tuệ của con người, không chỉ đơn giản là giải phóng công việc chân tay, máy móc phải đồng hành cùng con người làm mọi việc.

Giải pháp toàn diện

Từ những thực trạng trên, VEPR đề xuất một vài giải pháp, về mặt hạ tầng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, chính phủ cần thúc đẩy quá trình này thông qua việc hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với khu vực tư, tránh tình trạng độc quyền dễ xảy ra trong nền kinh tế số do yêu cầu về chi phí cố định lớn và hiệu ứng quần tụ mạng lưới.

Hai "huyết mạch" của nền kinh tế đều đang có điểm tắc nghẽn
​Dòng chảy tài chính (đầu tư) và dòng chảy vật lý (vận chuyển hàng hoá) đều cần được "lưu thông" bằng chuyển đổi số

Về vấn đề nhân lực, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động thông qua tăng cường giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin ở tất cả các cấp học. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh các chương trình đào tạo công nghệ thông tin cả chính quy và không chính quy, đa dạng cách thức đào tạo để phục vụ được nhiều đối tượng trong xã hội, giúp các lao động đang làm việc cũng có cơ hội học tập và trau dồi kỹ năng.

Bên cạnh kỹ năng số, Việt Nam cũng cần có những chính sách để bồi dưỡng, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo để duy trì năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trong tương lai, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần cải thiện chính sách cạnh tranh trong nước.

Mặt khác, chính phủ cũng cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực khác ngoài nhân lực. Việt Nam cần có nhiều hơn các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp về các mặt như vốn tài chính, kiến thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo và nhân viên doanh nghiệp, khả năng nắm bắt sự thay đổi về công nghệ và các hỗ trợ khác về mặt thông tin thị trường công nghệ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện khung pháp lý về kinh tế số, nâng cao khả năng bảo vệ người dùng các dịch vụ kỹ thuật số như ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng thị trường bảo hiểm không gian mạng để giúp doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính khi có vấn đề xảy ra.

Về phía doanh nghiệp, VEPR cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, đầu tư nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính) và xây dựng lộ trình chuyển đổi số; doanh nghiệp có thể xác định các hoạt động, khu vực ưu tiên chuyển đổi số trước; nâng cao nhân thức, tư duy kinh doanh số của lãnh đạo doanh nghiệp; nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
30 Yêu thích
3 Bình luận 36 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại