24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huyền My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hà Nội: Thị trường sáng ngày 29 Tết Tân Sửu sôi động, hàng hóa dồi dào, giá cả tăng nhẹ

Sáng ngày 10/2 (tức ngày 29 Tết Tân Sửu), thị trường hàng hóa dồi dào, người tiêu dùng đi mua sắm khá đông tại cả chợ dân sinh và các siêu thị. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả tăng nhẹ tại một số mặt hàng như trái cây, rau xanh, thực phẩm....

Người tiêu dùng rộn ràng sắm Tết

Sau một ngày mưa (9/2), sáng ngày 10/2, tức ngày 29 Tết Tân Sửu, người tiêu dùng tại Hà Nội đổ ra đường khá đông, đặc biệt là tại các chợ dân sinh, siêu thị để mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Tân Sửu đang cận kề.

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh như: chợ Gốc Đề, chợ Thanh Xuân, chợ Thành Công, chợ Kim Liên… giá cả một số mặt hàng có biến động tăng nhẹ so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm Tết Canh Tý, thì giá cả hàng hóa khá mềm. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, đủ chủng loại.

Về giá thực phẩm, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh hiện dao động trong khoảng từ 130.000 – 200.000 đồng/kg, trong đó, đắt nhất là sườn lợn, giá khoảng 200.000 đồng/kg, nạc vai 180.000 đồng/kg, chân giò 150.000 đồng/kg, mông sấn 150.000 đồng/kg… Đối với thịt bò, giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, trong đó, đắt nhất là thăn bò giá được các tiểu thương bán ở mức 300.000 đồng/kg. Giá gà trống choai lông vào khoảng 135.000 – 150.000 đồng/kg tùy chợ, trong khi giá gà mái ở mức rẻ hơn khoảng 120.000- 130.000 đồng/kg. Giá giò lụa khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg, giò bò khoảng 250.000- 300.000 đồng/kg.

Trong sáng nay, giá các loại trái cây đắt lên khá nhiều so với những ngày trước đó. Cụ thể, thanh long loại đẹp, tai cong, quả tròn giá ở mức 70.000 đồng/kg, trước đó 1 ngày (9/2), ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh giá chỉ ở mức 45.000 đồng/kg; xoài Thái hiện ở mức 60.000 đồng/kg; xoài cát chu cũng ở mức 70.000 đồng/kg (ghi nhận mức giá ngày hôm qua 9/2 ở mức 40.000 đồng/kg); na 90.000 đồng/kg; dưa hấu giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại; vú sữa 60.000 đồng/kg; quả sung và ớt đỏ được nhiều nhà mua về bày mâm ngũ quả, giá 2 loại quả này năm nay khá đắt; giá quả sung 200.000 đồng/kg; ớt đỏ bày mâm ngũ quả khoảng 2.000 đồng/quả.

Năm nay, chuối xanh và cau tươi cũng đắt hơn so với mọi năm. Chuối xanh loại 1, nải đẹp, cong và quả lẻ giá từ 200.000 – 250.000 đồng/nải, đối với những nải loại trung bình, giá từ 30.000 – 100.000 đồng/nải. Trong khi đó, giá cau tươi ở mức 15.000 – 20.000 đồng/quả, các tiểu thương cho biết, năm nay mất mùa cau nên giá đắt gấp đôi so với năm ngoái.

Giá rau xanh hôm nay cũng tăng hơn so với với mọi ngày. Su hào giá 5.000 – 7.000 đồng/củ; súp lơ giá từ 10.000 – 20.000 đồng/chiếc;… đắt gấp 2-3 lần so với những ngày trước đó.

Hoa tươi hôm nay cũng tràn ngập khắp các chợ. Tuy nhiên, giá nhiều loại hoa ở mức tương đương năm ngoái. Giá hoa lay ơn từ 100.000 – 150.000 đồng/chục; hoa hồng từ 5.000 – 10.000 đồng/bông; hoa cúc ở mức 5.000 đồng/bông; hoa violet ở mức 30.000 đồng/bó; hoa loa kèn từ 50.000 – 70.000 đồng/bó 20 bông. Hoa đào cũng được bày bán khắp các chợ, giá hoa đào năm nay khá mềm, từ 100.000 -500.000 đồng/cành, tùy loại. Tương tự đối với cây quất, năm nay, quất quả nhỏ và ít người buôn, giá bán khá rẻ từ 200.000- 1.000.000 đồng/cây tùy loại.

Đối với hầu hết các gia đình Việt Nam, Tết có thể không to, không có giò có nem, nhưng nhất định phải sắm một bình hoa cho ba ngày Tết. Nhà có điều kiện thì chơi đào, chơi quất, nhà ít có điều kiện hơn cũng có lọ lay ơn hay violet. Có thể nói, hoa đối với người Việt ngày Tết đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu. Tại chợ đầu mối phía Nam, những chậu lan nhỏ cũng được đông đảo người tiêu dùng chọn mua. Giá những chậu lan này khá mềm, chỉ từ 70.000 – 150.000 đồng/chậu. Cùng với đó là các loại cây hoa như cây đỗ quyên, cây hoa cúc, cây hoa hồng cũng được đông đảo người tiêu dùng chọn mua.

Chị Bùi Thị Phúc Thảo (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân), cho biết, hôm nay đã là 29 Tết, tôi ra chợ mua sắm đồ lễ thắp hương cho cả lễ tất niên, giao thừa và 3 ngày Tết. Gà lễ tôi đặt tiểu thương làm sẵn, họ làm rất sạch sẽ và buộc cánh tiên, tôi chỉ việc về luộc. Bánh chưng năm nay tôi cũng đặt mua 1 cặp, giá loại ngon 85.000 đồng/chiếc. Mua đồ lễ cho ngày Tết phải đi mấy vòng chợ mới đủ. Năm nay, dịch Covid-19, gia đình tôi chọn ăn Tết ở nhà là chính, hạn chế đến những nơi đông người, cũng như đi chúc Tết mọi nhà, do đó, đồ thực phẩm cũng được tôi lựa chọn mua nhiều hơn mọi năm.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ Tết

Trước đó, để tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi trường hợp, nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, kiên quyết không để xảy ra lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nhân dân nhận thức và hiểu rõ được tác hại, mức độ lây bệnh của dịch bệnh, nhất là tự giác trong khai báo y tế, nâng cao trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch và thực hiện tốt thông điệp 5K, gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế; hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội...

Cùng với chủ động phòng dịch, khi thời điểm tết nguyên đán đang rất cận kề, Hà Nội cũng đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào để người dân có thể mua sắm phục vụ Tết.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Sở Công thương đã xây dựng phương án tương ứng với 3 cấp độ dịch. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng gấp 1-3 lần ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Các siêu thị, cửa hàng mua sắm cũng triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch, như bắt buộc nhân viên phục vụ và người dân đến mua sắm phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn, bố trí các điểm thanh toán hợp lý để giãn khoảng cách, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi sắm Tết.

Cũng nhằm động viên, chăm lo kịp thời đến lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, trong những ngày này, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã đến thăm, động viên và tặng quà hỗ trợ cho từng cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế mỗi người 3 triệu đồng tại 8 điểm cách ly tập trung, với tổng trị giá gần 2,4 tỷ đồng được trích từ nguồn quỹ phòng, chống Covid-19 do Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vận động. Tại các điểm đến thăm, Thường trực Thành ủy chỉ đạo bên cạnh việc chăm lo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, cần quan tâm chăm lo đến những người cách ly, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em để đảm bảo mọi người đều được vui Xuân, đón Tết. Thường trực Thành ủy cũng đồng ý tăng chế độ tiền ăn lên 250.000 đồng/người/ngày cho cả 2 đối tượng: Người bị cách ly và lực lượng phục vụ công tác cách ly trong 5 ngày Tết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả