Hà Nội tăng tốc thi công các dự án trọng điểm
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong tháng 8/2022, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý của thành phố Hà Nội ước đạt 4.188 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện được 27,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54,7% kế hoạch năm 2022.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian sau dịch, thành phố tập trung cao độ để đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, có chiều dài 12,5 km với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt khoảng 75,1%, đoạn trên cao đạt 96,3%, đoạn ngầm đạt 33%. Thành phố cùng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh kiểm tra, đánh giá chất lượng, dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8,5 km phục vụ người dân Thủ đô vào cuối năm 2022, đồng thời tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm dài 4 km theo kế hoạch.
Dự án đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, có tổng chiều dài khoảng 5,1 km với tổng vốn đầu tư 9.459 tỷ đồng, đến nay dự án đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở. Hiện nay, toàn bộ dự án đường Vành đai 2 trên cao đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ phần đường trên cao trong năm 2023.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km, mặt cắt ngang 19,3 m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh. Đến nay, dự án đã giải ngân được 51,1% kế hoạch vốn và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ năm nay. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2023.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội, khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm).
Tổng diện tích dành cho dự án là 39,6 nghìn m2; trong đó, diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2 với các hạng mục nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D - 4D 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn bơi, nhà học và thư viện Tháp Thiên văn… kết hợp với trang thiết bị tự động thông minh, chất lượng cao phục vụ công việc vận hành theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Hiện nay, dự án đang triển khai ở giai đoạn 1, kết quả giải ngân đạt 38,7% kế hoạch vốn. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.
Dự án Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là 1 trong 6 dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m, có kết cấu bê tông cốt thép. Mặt cắt ngang có 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn.
Phần hầm hở mỗi chiều có bề rộng 7,75m phân cách 2 chiều bằng GPC cứng rộng 1m, xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu trong phạm vi dự án mỗi bên trung bình 5,5 m để bố trí thêm một làn xe cơ giới, tổng sẽ có 10 làn xe được đưa vào sử dụng. Hiện nay, các công nhân đang gấp rút, đẩy nhanh tốc độ thi công để hoàn thành theo đúng dự kiến vào tháng 10/2022.
UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo, tăng cường quản lý và tính chịu trách nhiệm nếu để các công trình đầu tư công chậm tiến độ cho các sở, ngành, quận huyện. Thành phố tạo mọi điều kiện để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án.
UBND thành phố cũng yêu cầu các quận huyện, các chủ đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án một cách kịp thời và có hình thức xử lý nếu lãnh đạo, cán bộ các địa phương lơ là hoặc cố tình vi phạm, gây khó dễ, phiền hà để các dự án chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, thành phố đang chỉ đạo những địa phương có đường Vành đai 4 đi qua tập trung lên phương án cho giải phóng mặt bằng, tái định cư để các chủ đầu tư nhận mặt bằng thi công đúng tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2027.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận