Hà Nội huy động công trình sẵn có để thiết lập cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến
Tổ công tác của Bộ Xây dựng đã kiểm tra, khảo sát thực tế việc xây dựng một số bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung trên địa bàn TP Hà Nội.
Tổ công tác đã kiểm tra, khảo sát cơ sở cách ly, thu dung điều trị người bệnh Covid-19 tại dự án nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III (quận Hoàng Mai). Với quy mô 3 tòa CT1, CT2, CT3, cơ sở cách ly, thu dung điều trị người bệnh Covid-19 tại đây đáp ứng khoảng 1.500 giường bệnh, hiện đã đi vào hoạt động, tiếp nhận các trường hợp F0.
Sau đó, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm chủ đầu tư. Bệnh viện có quy mô 3,5ha, có sức chứa khoảng 500 giường bệnh; Dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2021.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 24/7 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2363/UBND-ĐT về việc chủ trương, kế hoạch trưng dụng quỹ nhà tái định cư để sử dụng làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 10 dự án được trưng dụng sẽ đáp ứng từ 24.000 đến hơn 32.000 giường bệnh…
Tại buổi kiểm tra, bên cạnh việc đánh giá cao thành phố Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, thần tốc đầu tư xây dựng các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến phục vụ phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đề nghị thành phố tập trung huy động cơ sở, công trình công và tư sẵn có để thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân; Hạn chế việc xây mới các cơ sở. Đây cũng là mô hình được các địa phương quan tâm và áp dụng nhiều trong thực tế.
“Trong việc sử dụng các cơ sở sẵn có, thành phố cần lưu ý vướng mắc phát sinh như phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường… sau khi chuyển đổi công năng nhà ở, chung cư thành cơ sở điều trị bệnh nhân”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng đề nghị thành phố Hà Nội, căn cứ theo hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến do Bộ Xây dựng ban hành, xác định bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã đơn giản hóa các thủ tục, trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, tạo điều kiện cho các địa phương và phát huy hiệu quả trong thực tế triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở, công trình phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc về chủ trương, kế hoạch trưng dụng quỹ nhà tái định cư phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Có 10 dự án nhà tái định cư được UBND thành phố trưng dụng. Trong đó, có 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà B, C khu tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ; Dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên; Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 Khu tái định cư tập trung Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
4 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng; Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 1 Hà Nội; Dự án khu nhà ở cao tầng tại lô đất 5.B3, Đông Hội, huyện Đông Anh do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận