Hà Nội hướng tới trở thành một siêu đô thị
Tại buổi làm việc với Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh kiến nghị của Hà Nội về cân đối đầu tư đối với 4 dự án, đây là các dự án hết sức quan trọng, là hạ tầng của Hà Nội, nhưng cần phải triển khai theo Luật Thủ đô, nên Hà Nội quản lý đầu tư, nếu Chính phủ chỉ đạo Bộ bố trí vốn thì sẽ cân đối theo thứ tự ưu tiên.
Về đầu tư cầu qua sông Hồng, Bộ thống nhất với chủ trương của Hà Nội. Về sân bay Thủ đô, theo dự báo đến năm 2050 mới chạm ngưỡng 100 triệu khách/năm, do đó, chúng ta có đủ thời gian để tìm vị trí cũng như đầu tư khi cần thiết.
Trong lĩnh vực tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết năm 2020, Hà Nội được đánh giá là địa phương thu ngân sách tốt nhất cả nước, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách vượt dự toán. Với kiến nghị tăng điều tiết ngân sách cho thành phố trên mức 35%, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nhất trí kiến nghị của thành phố rà soát đấu giá quỹ đất liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế của trung ương và địa phương trên địa bàn. Riêng quỹ đất ở khu vực sự nghiệp công, sau khi rà soát, sẽ dành cho thành phố theo đúng quy định. Về lĩnh vực quy hoạch, ngoài việc thực hiện theo luật đầu tư thì có thể xem xét một số cơ chế bố trí dự toán, cơ chế giải ngân, cơ chế quyết toán đặc thù, phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch của từng khu vực.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc điều chỉnh đất đô thị, quy hoạch sân bay thứ 2, điều chỉnh quy hoạch Thủ đô để thành chùm đô thị, là những nội dung rất quan trọng và cần thiết, Bộ sẽ cùng thành phố xem xét và báo cáo Thủ tướng và Quốc hội. Về cải tạo chung cư cũ, trong thời gian tới, sau khi Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội trong quá trình cải tạo những chung cư này.
Về việc tổ chức SEA Games 31, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Hà Nội là địa phương tổ chức 25/40 môn của SEA Games 31 và toàn bộ ParaGames 3. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng thành phố Hà Nội đang nỗ lực cải tạo nâng cấp hơn 20 công trình phục vụ sự kiện thể thao quan trọng này. Đồng thời, các kịch bản khai mạc, bế mạc cũng như các công việc liên quan cũng đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với thành phố Hà Nội triển khai tích cực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Hà Nội là đô thị đặc biệt và đang hướng tới trở thành một siêu đô thị. “Trong những năm qua, Thủ đô có sự phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, ngày càng khẳng định là động lực phát triển của vùng Thủ đô, hạt nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực phía Bắc”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Hà Nội cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đan xen, thách thức lớn nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị, tạo áp lực vô cùng lớn đối với giao thông, môi trường…
Đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành phố cần tập trung điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với vùng Thủ đô để tạo ra các đô thị vệ tinh, kết nối thông qua các tuyến đường vành đai. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh quy hoạch phát triển Thủ đô cân đối, lấy trục sông Hồng để là điểm nhấn, trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ về hạ tầng về phía bắc sông Hồng để nơi đây trở thành động lực phát triển chính.
“Hà Nội cũng cần phát triển các khu đô thị mới để tạo động lực phát triển, đồng thời, giãn dân trong nội đô; trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ theo hướng sử dụng vốn ngân sách nhà nước… Thành phố đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ODA để Thủ đô phát triển hạ tầng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận