Hà Nội: Giá nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống mới là tạm tính
Chiều 12 11, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Võ Tuấn Anh, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà và Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng đã thông tin về việc cấp nước sạch từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống, trong đó đáng chú ý là những thông tin về giá nước sạch.
Trao đổi về giá bán nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, cao hơn giá nước sạch của các nhà máy nước sạch khác, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết: Việc tính giá được căn cứ theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch của Chính phủ, có quy định liên quan đến thỏa thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thỏa thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.
Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, việc ký kết thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, chính vì vậy trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, Thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó giá là tạm tính. Do đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Hiện nay, do Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP. Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũng khẳng định, theo quyết định số 38/2013/QĐ-UBND về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội và quyết định 39/2013/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã tính đúng, tính đủ các chi phí của các đơn vị sản xuất và cung cấp nước nên không thực hiện cấp bù.
Về việc đảm bảo an ninh nguồn nước và việc công bố chỉ số nước sạch giống như chỉ số không khí, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết: Thành phố yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các tác động gây ảnh hưởng tới nguồn nước tới nhà máy. Tiến tới, Thành phố nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành cấp nước, trong đó tích hợp cả về chất lượng nước, quan trắc, lưu lượng, áp lực… để chỉ đạo kịp thời.
Phó Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội Võ Tuấn Anh cho biết, hiện nay Thành phố chưa có trạm quan trắc nguồn nước và việc này sẽ sớm được nghiên cứu, đầu tư trong thời gian tới.
Nhà máy Nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030, công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận