Hà Nội có giãn cách diện rộng khi số F0 liên tục tăng cao?
Liên tiếp 1 tuần qua, số ca mắc COVID-19 của thành phố tiếp tục tăng cao. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, tuỳ vào từng cấp độ dịch cụ thể, thành phố sẽ có các biện pháp chống dịch COVID-19 phù hợp.
F0 tăng cao, Hà Nội thu hẹp vùng xanh
Ngày 6.12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18h ngày 4.12 đến 18h ngày 5.12 Hà Nội ghi nhận 462 ca bệnh trong đó cộng đồng (189), khu cách ly (167), khu phong tỏa (106).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021) là 13.172 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.212 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 7.960 ca.
Đáng chú ý, mới đây Hà Nội đã công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống COVID-19. Theo đó, chỉ có 7 huyện đạt cấp độ 1, nguy cơ thấp, màu xanh gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa. 23 quận, huyện còn lại được đánh giá cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Có thể thấy do số F0 liên tục tăng, Hà Nội chỉ còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện đạt cấp độ 1, giảm 12 đơn vị so với tuần trước.
Đáng lo ngại, trong 1 tuần qua (từ ngày 29.11 đến 5.12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.468 ca dương tính, trong đó có khoảng 40% là ca mắc tại cộng đồng. Đây cũng là tuần ghi nhận số ca mắc tăng cao kỷ lục, dao động từ 400-600 ca/ngày. Riêng ngày 4.12, ghi nhận nhiều ca mắc nhất lên tới 628 ca.
Trước việc liên tiếp vượt 400 ca COVID-19/ngày, nhiều người dân lo ngại Hà Nội có tính đến phương án giãn cách diện rộng?.
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến F0 gia tăng trong thời gian qua là do bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Nhiều người dân chưa thực sự tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, vẫn thường xuyên tụ tập đông người. Do đó, nếu người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch sẽ góp phần giảm F0 cộng đồng.
Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, tuỳ vào từng cấp độ dịch cụ thể, thành phố sẽ có các biện pháp chống dịch COVID-19 phù hợp. Do đó, mặc dù số F0 tăng nhưng thành phố sẽ không giãn cách diện rộng như trước đây. Hà Nội luôn bám sát theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.
Trước mắt, trong bối cảnh F0 gia tăng nhanh, Hà Nội đã thay đổi trong chiến lược chống dịch, đặc biệt các biện pháp cách ly, điều trị. Thành phố đã cho phép cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số mắc tăng lên là "khó tránh khỏi", điều này nằm trong dự liệu của chính quyền.
Theo bà Hà, thành phố đã xây dựng kịch bản tình huống có 100.000 ca mắc. Ý thức phòng dịch không chủ quan của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng.
"Hà Nội vẫn kiên định với các giải pháp trong công tác chống dịch, như tại tuyến y tế cơ sở thực hiện điều tra, truy vết một cách sớm nhất. Khi phát hiện F0 nhân viên y tế sẽ tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất để đáp ứng dịch vụ y tế cho người dân", bà Hà thông tin.
Dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, không quá đáng lo ngại
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội những ngày qua liên tục tăng cao nhưng trong tầm kiểm soát, không quá đáng lo ngại. Bên cạnh đó, thành phố đã cho phép triển khai điều trị F0, cách ly F1 tại nhà. Quan trọng nhất với Hà Nội lúc này làm sao triển khai tốt nhất việc điều trị F0 tại nhà.
Theo ông Hùng, thành phố cần nắm rõ tỉ lệ người bị nhiễm COVID-19 nặng, rà soát trường hợp cao tuổi, tăng cường truyền thông để người cao tuổi chưa tiêm vaccine đi tiêm. Nhiều người nhiễm sẽ quá tải hệ thống điều trị nhưng cho điều trị tại nhà để củng cố lại hệ thống và điều trị từ xa sẽ giải quyết được việc, không lo bị quá tải.
Đưa ra khuyến cáo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, nước ta đã xác định thích ứng an toàn với dịch bệnh, vì vậy nếu có triệu chứng, người dân cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Đồng thời ông Nga cũng cho rằng, đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất… cần có xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, khi đã tiêm đủ vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng, không có nghĩa là không thể nhiễm bệnh, mọi người vẫn cần tuân thủ 5K và quy định phòng chống dịch của ngành y tế, chính quyền địa phương nếu không muốn rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận