Hà Nội chuẩn bị phương án nới lỏng giãn cách: Chuyên gia hiến kế mở cửa kinh doanh an toàn
Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, điều này được thể hiện qua số ca mắc cộng đồng giảm dần, vì thế câu chuyện Hà Nội nới lỏng giãn cách và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương,…đang được hết sức quan tâm.
Hà nội chuẩn bị cho nới lỏng giãn cách: Cốt yếu phải tiêm vaccine phủ kín
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) khẳng định, về kinh tế việc mở cửa lại là tất yếu. Tuy nhiên, để Hà Nội nới lỏng giãn cách, có thể mở cửa một cách an toàn trở lại, theo vị chuyên gia này thì vấn đề cốt yếu phải tiêm vaccine phủ kín các đối tượng dân cư để thực hiện được chiến lược vaccine + 5K, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch để hạn chế lây nhiễm, kiểm soát dịch thật tốt để phát hiện kịp thời và chủ động khoanh vùng, sàng lọc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang ghi nhận những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Đặc biệt, Hà Nội đang tích cực triển khai công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Thành phố đưa ra mục tiêu sẽ phủ được 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước ngày 15/9. Đây biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng đối với thành phố.
"Hà Nội không thể thực hiện chiến lược ngăn sông cấm chợ hay be bờ để chặn dịch, mà phải chuyển sang chiến lược sống chung với dịch một cách an toàn. Đi liền với đó là phải mở rộng vùng xanh và thu hẹp lại vùng đỏ. Đối với các vùng xanh thì phải tạo điều kiện, từng bước mở ra cho người dân đi lại, làm ăn, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh. Bởi nếu không kiểm soát được dịch thì vùng xanh sẽ biến thành vùng đỏ ngay lập tức. Các khu vực có ổ dịch, vẫn phải siết chặt. Vùng xanh mở rộng đến đâu thì mở cửa giao thương, sản xuất kinh doanh đến đó", ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, khi mở cửa để giao thương, phục hồi sản xuất, kinh doanh, cùng với trao quyền cho các doanh nghiệp và các đơn vị tự quyết định mở lại các hoạt động kèm theo các biện pháp phòng dịch, phải có những biện pháp kiểm soát của chính quyền đồng thời phải có các chế tài để xử lý, quy trách nhiệm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, những tổ chức mà không tuân thủ, không có biện pháp để làm lây lan dịch bệnh.
PGS. TS. Tô Trung Thành – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một số nguyên tắc cần quán triệt khi nới lỏng giãn cách gồm chấp nhận một nền kinh tế có Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng; chuẩn bị nguồn lực y tế phải có khả năng chữa trị các ca bệnh nặng và giảm số ca tử vong và tỷ lệ tử vong.
Với hoạt động sản xuất, cần thực hiện các biện pháp nới lỏng theo chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng (chuỗi sản xuất và cung ứng xanh, chuỗi sản xuất và cung ứng đỏ), bên cạnh giải pháp nới lỏng giãn cách theo đơn vị địa lý (vùng xanh, vùng đỏ) do quá trình sản xuất vượt qua khái niệm về địa lý.
Ngoài ra, cần nới lỏng xuyên suốt chuỗi sản xuất và cung ứng, từ khâu nhập khẩu, sản xuất nguyên vật liệu, logistics, sản xuất thành phẩm, tới phân phối và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chính quyền cần cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm an toàn phòng dịch qua việc tự xét nghiệm Covid-19 với người lao động dưới sự giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Nên lựa chọn những ưu tiên, có những lộ trình cho hoạt động mở cửa
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV(ĐBQH), Hà Nội nên lựa chọn những ưu tiên, có những lộ trình cho hoạt động mở cửa.
Chẳng hạn là mở lại những hoạt động ngoài trời như sản xuất nông nghiệp, kể cả những vùng "nóng" về dịch thì cũng không nên đóng cửa, bởi những người làm trên cánh đồng khó có nguy cơ lây nhiễm.
Tiếp đến là những công trường xây dựng ngoài trời và những hoạt động sản xuất của cơ sở công nghiệp không tập trung đông người cùng 1 thời điểm.
Các cơ sở sản xuất cũng có thể phân lô, phân vùng các khu vực sản xuất thành các nhóm nhỏ, khi đó, nếu phát hiện ra trường hợp lây nhiễm thì dừng nhóm đó chứ không phải dừng cả nhà máy, sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất mà vẫn đảm bảo kiểm soát dịch.
ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, những hoạt động dịch vụ không có tập trung đông người, không gây ra tiếp xúc trong một không gian kín thì cũng không có khả năng, nguy cơ của lây nhiễm và những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này đã được tiêm chủng, định kỳ xét nghiệm sàng lọc thì có khả năng cho mở cửa trở lại.
"Chúng ta xác định sống chung với dịch, kể cả các huyện vùng xanh thì cũng chưa dám nói là không có dịch mà phải coi là chưa phát hiện ra, do đó phải duy trì các hoạt động sản xuất an toàn và có các biện pháp chủ động ứng phó khi có dịch", ông Cường nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận