Hà Nội: Chưa nghiệm thu PCCC nhiều bệnh viện đã “lùa” người bệnh vào khám
Chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) tuy nhiên nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội ngang nhiên đưa công trình vào sử dụng, đẩy đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân vào khám, chữa bệnh luôn trong tình trạng “nơm nớp” lo sợ nếu có cháy nổ xảy ra.
Công tác phòng chống cháy, nổ tại các bệnh viện là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, bởi lẽ an toàn cháy nổ đồng nghĩa với an toàn người bệnh. Thế nhưng, thời gian qua tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, dù chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa bệnh nhân vào thăm khám và điều trị, khiến cho nhiều người bệnh cùng đội ngũ y bác sĩ luôn trong tình trạng “thấp thỏm” lo sợ nếu có sự cố cháy nổ xảy ra.
Có thể kể đến, công trình xây dựng bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội, mặc dù chưa tổ chức nghiệm thu PCCC nhưng công trình đã “ngang nhiên” đưa vào sử dụng.
Theo phản ánh, nhiều hạng mục công trình còn để ngổn ngang, bừa bộn nhưng đã được đưa vào sử dụng, khám chữa bệnh cho người dân. Hệ thống PCCC tại đây còn có dấu hiệu chưa hoàn thiện, hệ thống thang máy của tòa nhà vẫn chưa có tem kiểm định…
Nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện nhưng bệnh viện vẫn để bệnh nhân vào khám, chữa bệnh.
Với những tồn tại trên Đội Quản lý trật tự Xây dựng đô thị huyện Thanh Trì đã có Biên bản vi phạm hành chính về hoạt động đầu tư xây dựng của Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp: Đưa từng phần công trình, hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu. Cụ thể, bệnh viện đã đưa vào sử dụng và hoạt động các tầng 01; 02; 03; 04; 05; 08.
Ngày 16/7/2019, UBND huyện Thanh Trì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp về các lỗi trên với số tiền là 55.000.000 đồng, buộc trong thời hạn 1 tháng phải tổ chức nghiệm thu theo quy định và buộc bồi thường thiệt hại cho bên có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan (nếu có).
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay nhiều hạng mục công trình vẫn để ngổn ngang, bừa bộn; phía bệnh viện không những chưa chấp hành Quyết định xử phạt mà vẫn cho phép bệnh nhân vào thăm khám, chữa bệnh.
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưng – Cán bộ Tư vấn, Quản lý dự án. Theo đó, ông Hưng khẳng định: Thiết bị PCCC của tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu nên hiện tại chưa ra được văn bản nghiệm thu công trình. Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã xuống kiểm tra lần 1 vào ngày 6/8 và lần 2 vào ngày 6/9. Đến nay, cơ bản các hạng mục đã hoàn thành và sắp tới sẽ có văn bản nghiệm thu PCCC.
Khi được hỏi phía Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp có đang “coi thường” tính mạng của bệnh nhân? Ông Hưng cho hay: Do mặt bằng bệnh viên chật hẹp, mà nhu cầu bệnh nhân lại cao nên bệnh viện biết là sai nhưng vẫn phải cho bệnh nhân vào khám, chữa bệnh và điều trị.
Theo Biên bản kiểm tra về PCCC, cứu nạn, cứu hộ ngày 6/8 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), công trình Bệnh viện Đa khoa nông nghiệp còn một số tồn tại về PCCC. Cụ thể như: Chưa có tài liệu chứng minh nguồn gốc lô bình chữa cháy lắp đặt tại công trình; Chưa có hồ sơ nghiệm thu hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn; Kết quả đo điện trở chống sét, nối đất tại công trình; Chưa bố trí thang máy chưa cháy, thang bộ thoát nạn N1 cho công trình; Chưa lắp đặt đầy đủ đầu báo cháy, đầu phun Sprinkler tại một số hành lang, phòng kỹ thuật tầng mái, tầng hầm; Hệ thống hút khói tầng hầm hoạt động chưa bảo đảm khả năng hút khói khi có sự cố cháy, nổ.
Biên bản chỉ rõ, hạng mục công trình chưa đủ điều kiện để cấp văn bản nghiệm thu về PCCC. Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư tuyệt đối không đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cấp văn bản nghiệm thu về PCCC.
Đối với những tồn tại được chỉ ra tại biên bản kiểm tra ngày 6/8 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, ông Hưng cho biết, Bệnh viện đã cơ bản khắc phục xong tại lần kiểm tra thứ 2 (ngày 6/9). Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến Biên bản kiểm tra này, ông Hưng chưa cung cấp được.
Trước đó, hàng loạt các vi phạm quy định về PCCC tại công trình Bệnh viện Tuệ Tĩnh tại Số 2 Trần Phú, quận Hà Đông cũng được Công an TP Hà Nội chỉ rõ.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh (số 2 Trần Phú, quận Hà Đông) được Công an TP Hà Nội chỉ ra nhiều vi phạm về PCCC.
Theo đó, công trình Bệnh viện Tuệ Tĩnh còn nhiều tồn tại về PCCC, chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC nhưng chủ đầu tư là Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam một số phòng bệnh từ tầng 1 đến tầng 6 đã có bệnh nhân vào điều trị (có người làm việc trong giờ hành chính) và công trình vào hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn.
Cụ thể, ngày 11/6/2019, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC&CNCH - Bộ Công an tổ chức kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với công trình theo hồ sơ đã được Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thẩm duyệt tại Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC số giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC số 1135/TD-PCCC-P6 ngày 21/4/2016 và văn bản thẩm duyệt số 7022/PCCC&CNCH-P6 ngày 17/11/2017 với quy mô gồm 01 tầng bán hầm và 10 tầng nổi.
Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy công trình còn một số nội dung không đảm bảo an toàn về PCCC, chưa đủ điều kiện để cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định như, chưa xuất trình bản vẽ được thẩm duyệt thể hiện đường giao thông phục vụ chữa cháy.
Tại thời điểm kiểm tra thực tế, chưa xác định được khả năng tiếp cận của xe thang đối với công trình; Cửa vào buồng thang bộ thoát nạn tại tầng bán hầm mở ngược chiều thoát nạn; Chưa thi công tách biệt buồng thang bộ thoát nạn từ tầng bán hầm lên tầng 1 với buồng thang bộ chung của nhà;
Thang bộ thoát nạn loại N1 của công trình có chiều rộng vế thang chưa bảo đảm 1,35 m; Chưa có giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực đặt cụm bơm chữa cháy, máy phát điện, các phòng kỹ thuật với khu vực để xe tại tầng bán hầm; Quạt hút khói tại tầng bán hầm chưa được bọc bảo vệ ngăn cháy;...
Công an TP Hà Nội chỉ rõ, việc chủ đầu tư đã đưa một số phòng bệnh và công trình vào hoạt động như đã nói ở trên đã vi phạm quy định về PCCC theo Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ.
Đoàn kiểm tra đã thông báo cho chủ đầu tư những sai phạm và yêu cầu khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC cho đến khi được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo quy định, lập biên bản vi phạm hành chính về PCCC đối với hành vi nêu trên.
Đồng thời, Công an TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Tổng Cty Điện lực TP Hà Nội, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông không cấp điện, nước sử dụng cho công trình khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Trong năm 2018, theo danh sách các cơ sở, công trình tồn tại vi phạm về PCCC được Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố xuất hiện nhiều cơ sở bệnh viện nằm trong danh sách này như: Bệnh viện Thanh Nhàn tại địa chỉ 42 Thanh Nhàn (phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nhà E – Bệnh viện mắt TW số 85 Bà Triệu (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng), Tòa nhà 9 tầng – Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương – Cơ sở II tại xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì)...
Công tác đảm bảo an toàn PCCC rất quan trọng, có thể chỉ là một sơ suất nhỏ hay những lỗi tưởng chừng không đáng cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn chết người vậy nhưng nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội chưa chú trọng đến vấn đề này. Phải chăng các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với những vi phạm về PCCC để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận