menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Hà Nội: Căn cứ nào để xin điều chỉnh quy hoạch xây 2 khu đô thị rộng 500ha tại Thạch Thất?

Một điều khiến dư luận đặt câu hỏi là lãnh đạo huyện Thạch Thất căn cứ vào đâu để xin điều chỉnh quy hoạch?

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành thể hiện, khu vực nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án tại quy hoạch chung huyện Thạch Thất là đất cây xanh, đất nông nghiệp, mặt nước, đất ở, đất công trình công cộng và nằm trên vành đai xanh, không được làm dự án. Tuy nhiên trước đề xuất của một doanh nghiệp sẽ xây dựng một “đại đô thị” tại địa bàn huyện, Ban thường vụ Huyện ủy Thạch Thất đã họp và thông qua đề xuất này.

Ngày 18/3/2020, một doanh nghiệp bất động sản lớn có văn bản đề xuất UBND huyện được đầu tư xây dựng 2 dự án khu đô thị có quy mô 200ha và 300ha thuộc địa phận huyện Thạch Thất. Ngay sau đó, dự án đã nhận được sự đồng ý của Ban thường vụ Huyện ủy Thạch Thất tại Thông báo Kết luận số 2334-TB/HU ngày 24/3/2020.

Để có cơ sở cho nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo quy định của pháp luật, UBND huyện Thạch Thất báo cáo UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội xem xét đề xuất của nhà đầu tư. “Nếu dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận, UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật” – văn bản của UBND huyện Thạch Thất nêu rõ.

Theo đó 2 khu đô thị mà nhà đầu tư đề xuất gồm: Một dự án có quy mô 200ha có vị trí giáp đường Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội; Dự án thứ 2 có quy mô 300ha thuộc địa phận các xã Bình Phú, Thạch Xá, Cần Kiệm, Hạ Bằng, Đồng Trúc thuộc Thạch Thất giáp với huyện Quốc Oai cách Đại lộ Thăng Long khoảng 500m theo tỉnh lộ 419.

Hiện trạng sử dụng đất hai khu đất trên là đất mặt nước, sông ngòi, đất nông nghiệp (trồng lúa và cây hàng năm), đất phi nông nghiệp (đất ở, sản xuất vật liệu xây dựng, công trình công cộng...). Theo đề xuất và kiến nghị của UBND huyện Thạch Thất, nếu dự án được chấp thuận sẽ tạo thêm quỹ nhà ở cho người dân, thu hút và giãn dân cho khu vực các quận nội thành Hà Nội cũng như các khu vực dân cư hiện hữu trên địa bàn huyện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng ngân sách cho địa phương.

Thông tin về 2 dự án nói trên được lan truyền nhanh, “cò” đất đã đổ về khu giãn dân Quan Giai (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất) để đầu cơ, thổi giá. Giá đất tại khu vực này ngay đã tăng gấp 3 lần chỉ sau một tuần, từ khoảng 6-8 triệu đồng/m2 lên đến 16-20 triệu đồng/m2. Chính quyền xã Đồng Trúc đã vào cuộc, giải tán đám đông, đồng thời cảnh báo người dân cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, giao dịch nhà đất, tránh việc bị các đối tượng cò mồi, môi giới đưa thông tin sai sự thật để trục lợi.

Hà Nội: Căn cứ nào để xin điều chỉnh quy hoạch xây 2 khu đô thị rộng 500ha tại Thạch Thất?
Một góc Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trước hiện tượng bất thường về thị trường BĐS khu vực Đồng Trúc, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một Chuyên gia quy hoạch cho rằng: Do rò rỉ thông tin một Tập đoàn bất động sản định làm đại đô thị ở đó, người ta “thổi giá” lên rồi xuất hiện lừa đảo. Thực ra trong kinh tế thị trường đây là việc bình thường. Chính quyền phải biết can thiệp, minh bạch các dự án, mà minh bạch đó không chỉ là đây sẽ trở thành đại đô thị mà minh bạch ngay từ chủ trương, minh bạch tiền khả thi như vậy sẽ rất tốt, làm ổn định xã hội chính trị. Khi có thông tin đầu tư thì người ta sẽ mua đất xung quanh dự án để thổi giá lên và vô hình dung là con dao hai lưỡi hạ uy tín của nhà đầu tư. Sự việc này đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý.

Vị chuyên gia này cho biết thêm: Điều chỉnh quy hoạch là Luật quy hoạch cho phép, nhưng điều chỉnh quy hoạch trong điều kiện phải phù hợp phát triển kinh tế, phù hợp với phát triển xã hội của giai đoạn đó thì người ta phải điều chỉnh. Khi điều chỉnh như vậy, người ta sẽ mời gọi nhà đầu tư vào, hoặc nhà đầu tư đang thực hiện một dự án liên quan đến nó mà thấy cần phải điều chỉnh. Luật cho phép điều chỉnh quy hoạch, nhưng thứ nhất khi điều chỉnh quy hoạch nào thì cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh. Thứ hai điều chỉnh đó phải phù hợp với kinh tế xã hội của giai đoạn đó, của tỉnh, của thành phố và điều chỉnh đó phải được công khai cho cộng đồng biết. Thực hiện được điều chỉnh đó còn những Hội đồng và Hội đồng nào đã duyệt quy hoạch thì Hội đồng đó sẽ tham gia vào việc điều chỉnh để chịu trách nhiệm trước xã hội. Chủ đầu tư chỉ tính đến lợi nhuận, không dám can thiệp vào quy hoạch họ chỉ hé ra thôi, phải được các cơ quan chức năng bật đèn xanh thì mới dám làm.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. KTS. Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng cho biết: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Thành phố Hà Nội và các bộ ngành trung ương tổ chức triển khai trên cơ sở Hà Nội mở rộng theo Nghị quyết của của Quốc Hội và năm 2008. Sau gần 3 năm triển khai, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Đây là một đồ án quy hoạch triển khai công phu, với sự tham gia, nỗ lực của các bên liên quan như các Bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu đầu ngành, các đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị. Đồ án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân, trao đổi thảo luận rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận được nhiều ý kiến phản biện góp ý trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu lập đồ án quy hoạch.

Quy hoạch chung Thủ đô đã đưa ra định hướng chiến lược cho tầm nhìn phát triển dài hạn, giải pháp quy hoạch trên toàn bộ phạm vi địa giới hành chính của Hà Nội mở rộng, đề ra các giải pháp cho từng ngành, lĩnh vực, giải quyết tương đối cụ thể các vấn đề của phát triển đô thị Hà Nội, đặc biệt đưa ra định hướng để thể hiện vai trò Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa … của cả nước. Qua đánh giá sơ bộ của chúng tôi, các định hướng chiến lược và giải pháp chính của đồ án quy hoạch đến nay vẫn phù hợp và là các giải pháp tốt cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội: Căn cứ nào để xin điều chỉnh quy hoạch xây 2 khu đô thị rộng 500ha tại Thạch Thất?
Định hướng phát triển không gian toàn đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với đề xuất xây dựng 2 khu đô thị rộng 500ha gần Hòa Lạc, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một cán bộ UBND huyện Thạch Thất thông tin: Tập đoàn bất động sản này mới có văn bản xin điều chỉnh quy hoạch để làm đô thị Thạch Thất. Bây giờ, họ xin điều chỉnh quy hoạch của huyện để làm đô thị. Mới có văn bản xin thế thôi chứ chưa có gì cả.

Có thể thấy, để triển khai dự án này đồng nghĩa với việc UBND huyện Thạch Thất phải xin điều chỉnh quy hoạch, vì theo Quyết định 1259/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành thể hiện, khu vực nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án tại quy hoạch chung huyện Thạch Thất là đất cây xanh, đất nông nghiệp, mặt nước, đất ở, đất công trình công cộng và đất khác. Đồng thời, vị trí này nằm trên vành đai xanh, không được làm dự án.

Tuy nhiên, trước những đề xuất của nhà đầu tư, Tập thể Ban thường vụ Huyện ủy Thạch Thất đã họp và thông qua việc xây dựng đại đô thị trên địa bàn, việc này đã thể hiện rõ tại Thông báo Kết luận số 2334-TB/HU ngày 24/3/2020.

Điều khiến giới chuyên môn và dư luận quan tâm hiện nay là, lãnh đạo huyện Thạch Thất căn cứ vào đâu để xin điều chỉnh quy hoạch chung huyện Thạch Thất? Việc này có đang tạo ra những tiền lệ, những cơ chế “xin-cho” trong điều chỉnh quy hoạch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả