menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Hạ lãi suất sâu dưới mức âm, ECB châm ngòi căng thẳng với Mỹ

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ thêm lãi suất cơ bản vốn đang ở mức âm, đồng thời tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng để kích thích nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đang tăng trưởng trì trệ.

Động thái này khiến Tổng thống Donald Trump tức giận vì cho rằng ECB đang tìm cách giảm giá đồng euro, gây tổn thương cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Hôm 12-9, tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách tại trụ sở ở Frankfurt, Đức, Chủ tịch ECB Mario Draghi thông báo ECB hạ lãi suất cơ bản thêm 10 điểm cơ bản từ mức âm 0,4% về mức âm 0,5%. Điều này có nghĩa là các ngân hàng thương mại phải trả thêm phí gửi tiền ở ECB.

Draghi cho biết mức lạm phát thấp dai dẳng dưới mức mục tiêu 2% của eurozone là nguyên nhân chính khiến ngân hàng này quyết định hạ thêm lãi suất.

Ông ghi nhận các rủi ro đối với triển vọng của eurozone đã tăng lên do các cuộc tranh chấp thương mại trên toàn cầu kéo dài và các lo ngại về tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, rủi ro suy thoái vẫn thấp nhưng đã tăng lên kể từ cuộc họp của ECB lần trước. ECB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của eurozone trong năm nay từ mức 1,2% về mức 1,1%.

Cũng trong cuộc họp ngày 12-9, EBC thông báo tái phát động chương trình nới lỏng định lượng bằng cách mua 20 tỉ euro giá trị trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 11 tới. Chương trình này sẽ kéo dài đến chừng nào còn cần thiết. Năm ngoái, sau khi nhận định kinh tế eurozone đã trụ vững, ECB quyết định dừng chương trình nới lỏng định lượng trị giá 2.600 tỉ euro được phát động từ năm 2015.

Lãi suất âm có nghĩa là các ngân hàng phải chịu phí nếu giữ tiền ở ECB, điều này sẽ khuyến khích họ đẩy mạnh cho vay. Trong khi đó, chương trình mua trái phiếu sẽ giúp hạ lãi suất trái phiếu, giảm chi phí vay mượn của các chính phủ và các công ty ở châu Âu.

Động thái trên của ECB ngay lập tức vấp phải chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump vì ông cho rằng ngân hàng này đang cố tình làm suy yếu đồng euro để hỗ trợ các công ty châu Âu bán hàng hóa ra nước ngoài với mức giá cạnh tranh.

“ECB đang hành động rất nhanh, hạ lãi suất thêm 10 điểm cơ bản. Họ đang cố gắng và đang thành công trong nỗ lực giảm giá đồng euro so với đô la Mỹ vốn đang rất mạnh, gây tổn thương cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Còn Cục Dự trữ liên bang Mỹ chỉ biết ngồi yên. Họ (ECB) đang được trả phí để vay tiền, còn chúng ta phải trả lãi để vay tiền”, ông Trump viết trên Twitter.

Giới phân tích cũng cho rằng ECB phát động các chính sách nới lỏng tiền tệ mới chủ yếu để hạ giá đồng euro. Dù không đặt ra các mục tiêu cụ thể nhưng ECB đang xem tỷ giá đồng euro với đô la là trọng tâm chính sách vì lo ngại đồng euro mạnh lên sẽ kìm hãm lạm phát.

Seema Shah, nhà chiến lược trưởng ở công ty nói: “Lãi suất đã quá thấp nên dù ECB có giảm thêm thì cũng không tạo ra tác động lớn và có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Vậy tại sao ngân hàng này lại bận tâm đến việc hạ lãi suất? Đơn giản là nhắm đến đồng euro”.

Tuy nhiên, mục tiêu giảm giá euro thêm nữa của ECB, nếu thành công, có thể đi kèm theo "cái giá phải trả". Đồng euro đang giảm giá so với đô la trong gần 18 tháng qua và nếu giảm thêm nữa, điều này có thể khiến Tổng thống Trump phẫn nộ và gây tổn thương các mối quan hệ thương mại giữa châu Âu với Mỹ.

“Hạ lãi suất sẽ mở ra cánh cửa để ông Trump cáo buộc ECB chủ động làm suy yếu đồng euro”, Daniel Tenengauzer, Giám đốc chiến lược thị trường ở công ty BNY Mellon New York, cảnh báo.

Kinh tế eurozone có thể bị tổn thương nếu Nhà Trắng quyết định trả đũa bằng cách thực hiện các lời đe dọa áp thuế đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ châu Âu. Tenengauzer cho rằng nếu các vấn đề kinh tế của châu Âu là do cú sốc nhu cầu bên ngoài từ Trung Quốc thì các nỗ lực tác động tỷ giá đồng euro sẽ chẳng có ích lợi gì.

Ngoài ra, hạ lãi suất có thể dẫn đến các vấn đề khác. Lãi suất âm gây tổn thương cho lợi nhuận của các ngân hàng và đến một lúc nào đó sẽ khiến họ tăng lãi suất cho vay, khiến chính sách lãi suất âm bị phản tác dụng.

Một số nhà phân tích cho rằng chính sách sử dụng công cụ lãi suất để tác động tỷ giá đồng euro đã không còn nhiều tác dụng.

Thực tế là đồng euro đang suy giảm trong năm nay nhưng lạm phát ở eurozone vẫn yếu ớt. Các nhà phân tích nhận định mối liên hệ giữa tỷ giá euro đối với lạm phát đã suy yếu vì ngày càng nhiều giao dịch thương mại của châu Âu được thanh toán bằng euro, trong khi đó, đồng đô la chủ yếu sử dụng trong thanh toán cho hàng hóa năng lượng nhập khẩu bao gồm dầu thô.

Philip R. Lane, nhà kinh tế trưởng ECB, cho rằng lãi suất âm đóng góp nhỏ hơn so với các công cụ chính sách khác trong nỗ lực điều hành lạm phát của eurozone từ năm 2016

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại