GS. Nguyễn Thanh Liêm: Đã đến lúc nên xem Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác
Theo GS. Nguyễn Thanh Liêm, tất cả các khoa truyền nhiễm/khoa lây của bệnh viện đa khoa cần tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vào để điều trị.
Thưa bác sĩ, Hà Nội nhiều ngày dẫn đầu số ca nhiễm cả nước. Ông có cảnh báo gì trong việc này, đặc biệt chuẩn bị đến Tết, khi nhu cầu người dân di chuyển, tiếp xúc sẽ nhiều hơn?
Số bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội tăng lên không quá ngạc nhiên. Điều này đã dự báo điều ngay từ khi Hà Nội cho tập trung hàng chục nghìn người để thử nghiệm tàu đường sắt trên cao. Rất tiếc chúng ta không rút được kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, số mắc hiện nay cũng không quá lo ngại, vì hệ thống y tế của Hà Nội gồm cả các bệnh viện Trung ương trên Hà Nội đủ mạnh để có thể ứng phó. So với các tỉnh, Hà Nội có độ bao phủ vaccine rộng, hầu hết người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi và một số nơi đã bắt đầu tiêm mũi 3.
Số mắc Covid-19 của Hà Nội cũng chưa phải là quá nhiều so với các thành phố khác trên thế giới. Hai bang New South Wale và Victoria của Australia với dân số khoảng 15 triệu dân, mỗi ngày qua số mắc khoảng 30.000 nhưng dường như cuộc sống bình thường mới tại các bang đó vẫn đang tiếp diễn.
Các sự kiện tổ chức có đông người tham gia như bắn pháo hoa cần cân nhắc để để hạn chế khả năng lây nhiễm.Gần tết âm lịch, nhu cầu đi lại, thăm hỏi họ hàng, người thân sẽ tăng lên. Đây là thực tế không thể ngăn cấm. Tuy nhiên, mỗi người hãy luôn đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp 5K khi đi ra ngoài để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Theo cá nhân ông, tiêu chí nào để đánh giá cấp độ dịch bệnh khi nước ta đã chuyển sang sống chung và thích ứng an toàn?
Nhiều nước hiện nay không còn sử dụng chỉ số mắc mới để đánh giá tình hình dịch mà chỉ sử dụng chỉ số bệnh nhân nhập viện và số tử vong để đánh giá tình hình dịch.
Dường như không ít người dân đã bắt đầu có tư tưởng chủ quan, không sợ Covid-19 bởi đã tiêm 2 mũi vaccine. Thậm chí, nhiều người còn có tâm lý "trước sau gì cũng nhiễm Covid-19". Ông có lời khuyên gì?
Tiêm 2 mũi thậm chí tiêm 3 mũi vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 tuy mức độ bệnh nhẹ hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, những người đã tiêm không nên chủ quan, vẫn cần đeo khẩu trang khi tham dự các hoạt động đông người để bảo vệ cho cộng đồng và bảo vệ cho chính mình.
Ông có khuyến nghị giải pháp gì để giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và giảm các ca nặng, ca tử vong?
Số bệnh nhân mắc Covid-19 còn có thể tăng nhanh, tăng cao khi biến thể Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam. Chúng ta cần phải thay đổi chiến lược để chung sống an toàn với dịch.
Theo nhiều báo cáo, biến thể Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh nhưng mức độ bệnh nhẹ. Mức độ bệnh của những người đã tiêm vaccine khi bị biến thể Delta cũng nhẹ. Theo tôi, một số thay đổi cần đặt ra:
Nói chung, các bệnh viện này đều có điều kiện tốt hơn các bệnh viện dã chiến, phác đồ điều trị cũng được quản lí tốt hơn vì nhân viên của cùng một bệnh viện. Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện cũng giúp nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và tăng thêm thu nhập cho cán bộ.
Do tình hình dịch nên hầu hết các bệnh viện đang hoạt động có công suất thấp. Hiện nay, nhiều bệnh viện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nên doanh thu thấp dẫn đến rất nhiều khó khăn. Cụ thể, thu nhập của cán bộ thấp, kinh phí để mua vật tư tiêu hao, trang thiết bị thiếu.
Một số bệnh viện, cán bộ đã phải làm các việc khác để kiếm sống. Nhiều bệnh viện đã phải cho cán bộ nghỉ luân phiên. Nhiều cán bộ y tế ở các bệnh viện phía Nam đã xin nghỉ việc. Lương từ 4-5 triệu/tháng khiến cho nhiều cán bộ y tế làm việc ở các thành phố lớn không đủ trang trải cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Ngoài bệnh viện công thì nhiều bệnh viện tư cũng hoạt động cầm chừng vì không có bệnh nhân. Tại sao chúng ta không cho phép các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 và thu tiền cho các đối tượng muốn được tham gia chi trả để giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện công?
Bên cạnh đó, cần tổ chức bộ máy tư vấn trực tuyến, hệ thống vận chuyển, cấp cứu thật tốt để kịp thời can thiệp, vận chuyển các bệnh nhân chuyển nặng đến các bệnh viện.
Gần đây, nhiều cán bộ bệnh viện rất thận trọng trong việc tổ chức mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao vì tâm lí sợ sai lầm, khuyết điểm.
Có nhiều chuyên gia đưa ra phương án xã hội hóa tiêm chủng. Theo ông, có nên xã hội hóa việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 hay không? Nếu xã hội hóa việc tiêm vaccine mũi 3 thì cần có cơ chế và hành lang pháp lý thế nào để giám sát về chất lượng, giá cả vaccine?
Dịch vụ y tế hiện nay có ba hình thức. Một là, Nhà nước chi trả toàn bộ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi. Hai là, bảo hiểm chi trả cho những người mua bảo hiểm. Ba là, chi trả trực tiếp với các đối tượng muốn và có điều kiện chi trả trực tiếp.
Covid-19 sẽ còn tồn tại lâu dài và có thể phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm. Vì vậy, tiêm vaccine và điều trị Covid-19 cũng nên được ứng xử như các bệnh khác và áp dụng một trong ba cơ chế chi trả như trên.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận