GS. Đặng Hùng Võ: 'Sang 2021 bất động sản mới bắt đầu hồi phục lại'
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, rất khó để cứu thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại
Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản Việt Nam thời gian gần đây với tác động của dịch bệnh Covid-19?
Đây là một quy luật tất yếu. Bởi khi kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân gặp khó khăn, họ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng, giáo dục chứ không phải là nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bất động sản.
Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì người dân lại càng quan tâm hơn đến việc phòng dịch, sức khoẻ, thậm chí là cái chết có thể đến với mình. Bây giờ không ai lại nghĩ đến chuyện đi mua bất động sản, trừ những người đang cần thiết lắm một chỗ ở.
Thậm chí, ngay cả những người đang cần gấp chỗ ở thì họ cũng ngại mua chung cư vì đây là nơi tập trung đông người, rất nhạy cảm với dịch bênh. Trong thời điểm hiện tại, họ có thể đi thuê nhà hoặc ở nhờ tạm, chứ chưa chắc đã tính mua
Còn đối với các nhà đầu tư bất động sản, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế chững lại, họ sẽ ưu tiên tích trữ tiền mặt đề phòng rủi ro. Nhu cầu mua bất động sản để đầu tư vì vậy cũng bị hạn chế.
Việc phần lớn các ý định mua nhà, sở hữu bất động sản của người dân bị hoãn lại, tất yếu sẽ dẫn đến thị trường vắng bóng giao dịch. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có thể làm cho giá bất động sản hạ thấp trong thời gian tới.
Sự khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay đang đặt gánh nặng lớn lên vai các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp buộc phải tuyên bố phá sản, ông nhận định như thế nào về việc này?
Các bất động sản cho thuê như văn phòng, mặt bằng bán lẻ sẽ chững lại nhiều do sự giảm sút của khách hàng.
Đối với các chủ đầu tư, sàn giao dịch cũng bị ảnh hưởng do giao dịch bị ách tắc, thị trường không có thanh khoản, không có nguồn thu để chi trả cho các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm nhân viên, thu hẹp quy mô và phạm vi hoạt động thậm chí đóng cửa.
Các sàn giao dịch không bán được hàng cũng sẽ không có hoa hồng để nuôi quân, nhân lực sẽ giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, thực tế không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà đây là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Không dễ gỡ khó cho thị trường
Với thực trạng thị trường bất động sản khó khăn, theo ông Chính phủ nên có giải pháp gì để tháo gỡ cho doanh nghiệp?
Hơn nữa, do tính chất của hàng hoá như đã phân tích ở trên, bất động sản chỉ có thể phát triển được khi cuộc sống bình yên, tốt đẹp, nền kinh tế phát triển ổn định, tiền tích trữ trong dân dồi dào. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường bất động sản sẽ rơi vào ách tắc đầu tiên.
Sự phát triển của thị trường bất động sản đã là một quy luật tất yếu. Do đó, nếu nói làm gì để "cứu" thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại thì rất khó vì nó đã là quy luật khó có thể tránh được. Bây giờ không thể hô hào người dân là mặc kệ dịch bệnh để đi mua bất động sản được, không ai làm như thế cả.
Các giải pháp tức thời nếu có chỉ có thể tháo gỡ phần nào đó khó khăn cho thị trường. Theo đó, trước hết, cần xem Covid-19 là một loại thiên tai bất khả kháng và kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản được liệt vào danh sách các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và nhận ưu đãi của Chính phủ.
Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cho vay lãi suất thấp, hoãn trả nợ, cho phép chậm nộp nghĩa vụ tài chính, thuế. Trong đó, có khoản hỗ trợ cho những doanh nghiệp quá khó khăn.
Mặt khác, thị trường bất động sản từ năm ngoái đã tồn tại nhiều vướng mắc do khung pháp luật hiện hành, thủ tục hành chính khiến dự án chậm ra hàng. Đây đều là những khó khăn do chủ quan của con người từ hệ thống pháp luật đầy bất ổn nhưng không được sửa ngay. Việc sửa Luật Đất đai vốn được Quốc hội kiến nghị sửa đổi vào đầu năm 2020 nhưng cũng bị hoãn lại.
Do đó, để hồi phục thị trường bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ những tồn đọng từ trước đó về cơ chế chính sách để khai thông cho thị trường.
Ông dự báo như thế nào về khả năng phục hồi của của thị trường bất động sản trong thời gian tới?
Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát và dừng lại thì ít nhất nửa năm sau đó, thị trường mới bắt đầu phục hồi. Ít nhất phải sang 2021, bất động sản mới bắt đầu hồi phục lại và phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận