Góp ý cho đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030
Ngày 8/11, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo phản biện Đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan đến từ các quốc gia, tập đoàn trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu có chất lượng trong việc quy hoạch để thành phố phát triển.
Tại hội thảo, đại diện Liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đã trình bày những nội dung cơ bản của Đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: mục tiêu và chương trình của đồ án; đề xuất quy hoạch ý tưởng thành phố; thành phố kết nối; thành phố với bản sắc riêng và thành phố đáng sống.
Đại diện công ty tư vấn cũng đề xuất xây dựng các địa phương tại Đà Nẵng theo đặc tính đô thị như: quận bờ Đông, quận Vịnh mặt nước, quận Cảng biển, quận trung tâm, quận đổi mới sáng tạo, quận Công nghệ cao, quận Sinh thái… Định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một thành phố sông nước bền vững với những bản sắc riêng, đạt các tiêu chí dễ tiếp cận, đáng nhớ và đáng sống.
Phản biện tại hội thảo, chuyên gia Maysho Prashd, Callison RTKL (Mỹ) đánh giá cao dự thảo quy hoạch của nhà tư vấn đến từ Singapore. Tuy nhiên, trong quy hoạch chung cần chú ý đến các yếu tố như dân số; đời sống của người dân, nhất là những người dân buôn bán nhỏ.
Theo đó, cần lưu ý văn hóa truyền thống người dân buôn bán tại các chợ. Bởi Đà Nẵng có sự đa dạng về địa hình từ vùng biển đến núi, nên đây cũng là yếu tố cần xem xét kỹ trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố biển, cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ cây xanh, tạo nên các khu vực cây xanh tập trung.
"Đà Nẵng nên giữ lại cảng biển hiện tại và nâng cấp để phục vụ du lịch cũng như vận chuyển hàng hóa. Đà Nẵng nên mạnh dạn triển khai một quận mà nơi đó không có xe ô tô đi lại, người dân chi đi bộ là chính…", chuyên gia đến từ Mỹ nói.
Tiến sỹ Shigehisa Matsumura, chuyên gia cao cấp Hãng tư vấn thiết kế Nikken Seikkei (Nhật Bản) cho biết, phải đặc biệt cẩn trọng và định hướng để thành phố phát triển bền vững, mở rộng không gian đô thị; những khu vực nhạy cảm với môi trường liên quan đến sử dụng đất phải được kiểm soát chặt chẽ.
Đồng thời, Đà Nẵng cần tăng thêm diện tích cây xanh trong thành phố, xây dựng hệ thống phương tiện giao thông công cộng phục vụ người dân và du khách, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, có biện pháp xử lý rác triệt để, thay vì tình trạng chôn lấp như hiện nay. Đà Nẵng cũng có thể xây dựng hệ thống giao thông ngầm để phục vụ việc đi lại, nhưng khi có lũ lớn thì đây sẽ trở thành hệ thống thoát nước của thành phố…
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, trên cơ sở đóng góp phản biện, nghiên cứu và đề xuất của đơn vị tư vấn có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng nghiên cứu của đồ án, tác động lớn đến thực tiễn phát triển đô thị Đà Nẵng trong hàng chục năm tới. Đây cũng là cơ sở để từng bước kiến tạo một đô thị Đà Nẵng ngày càng phát triển bền vững và đậm đà bản sắc hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận