Gói kích thích kinh tế lần 2: Phải tính chuyện đường dài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang chủ trì soạn thảo gói kích thích kinh tế lần 2, với mục tiêu không chỉ là kích thích nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19 mà còn phải tạo đà cho tăng trưởng lâu dài.
Chậm chưa chắc đã không tốt
Đánh giá về gói hỗ trợ lần 1, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, gói này triển khai chậm chưa chắc đã là không tốt. Bởi trên thực tế, tình hình dịch bệnh đã kéo dài hơn so với các dự báo trong thời điểm đầu quý II, vì vậy nếu Chính phủ “dốc túi” để hỗ trợ ngay từ khi dịch bùng phát thì sẽ khó có dư địa để cân đối, tính toán và tiếp tục đẩy mạnh cho giai đoạn sắp tới. Trước bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ song cũng cần tiếp tục giữ chừng mực, không thể “dốc túi”.
“Đúng là quá trình triển khai các gói hỗ trợ giai đoạn vừa qua rất chậm, làm mất tính kịp thời của chính sách, và còn thiếu các chính sách hỗ trợ đủ mạnh. Nhưng nhìn lại nếu tung hết ra trong giai đoạn vừa qua thì đến bây giờ cũng không còn gì để hỗ trợ cả, trong khi tình hình trong các tháng cuối năm được dự báo là còn khó khăn hơn”, chuyên gia của CIEM khuyến nghị.
Bộ KH&ĐT đánh giá, các chính sách, giải pháp được thực hiện trong thời gian qua vừa chính xác, kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch và tương đồng với cách tiếp cận của quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới cũng như Việt Nam đã thay đổi lớn, đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới, phù hợp hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội và phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến 5 nhóm nguyên tắc trong xây dựng các giải pháp, chính sách mới nhằm kịp thời khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay. Trong đó phải đảm bảo tính bao quát, toàn diện các đối tượng, đủ lớn và đủ mạnh để kích thích nền kinh tế. Thứ hai, gói chính sách dù lớn hay nhỏ đều phải gắn với cơ cấu các ngành, lĩnh vực, thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới sáng tạo, chuyển dịch dòng vốn đầu tư... Thứ ba, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống người dân. Thứ tư, tập trung hỗ trợ DN, người dân. Thứ năm, đối với chính sách tài khóa, cần rà soát lại các loại thuế, phí để tiếp tục tạo thanh khoản, dòng tiền cho DN, bảo đảm dễ thực hiện và hiệu quả. Vấn đề phối hợp, phân cấp, phân quyền cũng rất quan trọng, đồng thời phải đánh giá được tác động của các chính sách đến nền kinh tế.
Hỗ trợ phải nhìn ngắn trông dài
Trên tinh thần đó, theo các chuyên gia, từ nay đến hết năm 2020, cần đẩy nhanh thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn, và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công mà kế hoạch năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo. Trong đó, nhóm chính sách về an sinh xã hội vẫn phải giữ vai trò chủ chốt để đảm bảo đời sống của người lao động và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trên thực tế, kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ lần 1 mới chỉ thành công đối với đối tượng thuộc diện chính sách, trong khi rất hạn chế đối với người lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức. TS. Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, hỗ trợ thời gian tới cần có mục tiêu thứ tự ưu tiên, với hỗ trợ an sinh xã hội cần tăng liều lượng và đối tượng; kéo dài các gói hỗ trợ cho việc hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội…
Vì vậy cần tiếp tục thực hiện biện pháp hỗ trợ người lao động bị giảm sâu, mất, thiếu việc làm do nhóm đối tượng này có thể gia tăng trong các tháng cuối năm, đặc biệt là các đối tượng tại các địa phương thực hiện cách ly do dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP bao gồm lao động phi chính thức.
Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, BIDV cho rằng, sau chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khoá cũng cần được mở rộng hơn. Cụ thể, cơ quan này đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất TNDN từ 20% xuống 15-17% đối với DNNVV, áp dụng từ năm 2021; xem xét điều chỉnh thuế suất thuế GTGT từ 10% hiện tại xuống còn 9% để khuyến khích tiêu dùng trong nước; tiếp tục gia hạn gói giãn, hoãn thuế thêm 10 tháng; tăng cho vay qua Quỹ Phát triển DNNVV và khởi động thực chất hoạt động của các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV…
Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng kiến nghị một vấn đề khác có thể thực hiện ngay trong thời gian tới, đó là hỗ trợ có mục tiêu đối với các DN hoạt động hiệu quả nhưng gặp khó khăn về tài chính do dịch Covid-19. Theo đó, giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đầu tư vào các DN mà Chính phủ góp vốn đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các khoản đầu tư này có thời hạn không quá 3 - 5 năm và phải xây dựng kế hoạch thoái vốn cụ thể.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, cùng với các giải pháp ngắn hạn, vừa qua Tổ cũng đã báo cáo lên Thủ tướng một số giải pháp trong trung và dài hạn. Theo đó thực hiện các giải pháp phục hồi nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng, gắn với chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế sang kinh tế số. Đặc biệt cần một gói chính sách mạnh từ Nhà nước để hỗ trợ hệ thống DN, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái. Gói chính sách này mang tính định hướng cho các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế phát triển với quy mô khoảng 2,7% - 3% GDP, được triển khai trong giai đoạn 2020 - 2023. Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù của Nhà nước cho các dự án khởi công trong giai đoạn 2021 - 2022 và có thời hạn kéo dài tới 7 năm.
Để thực hiện các gói chính sách này, có thể chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước các năm 2021 - 2022 dự kiến tăng thêm khoảng 2% GDP so với mức 3,5% GDP tại Kế hoạch tài chính và Ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022.
Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng (bao gồm cả cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp) và nguồn lao động (cả về lượng và chất) để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ để tận dụng cơ hội do CPTPP, EVFTA, và các FTA khác mang lại. Đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, sớm đưa hệ thống mạng 5G và các công nghệ số hiện đại vào hoạt động để làm nền tảng cho xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận