menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tuấn

Gói hỗ trợ thứ hai cho nền kinh tế: Câu hỏi khó...

Cần rà soát, tổng kết gói hỗ trợ đợt một, đánh giá hiệu quả của gói này, từ đó mới tính toán xem có cần gói hỗ trợ đợt hai hay không.

Câu chuyện nước Mỹ

Đại dịch Covid-19 đã buộc chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, phải hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân để họ thoát khỏi khủng hoảng khi thu nhập bị rơi tự do, đồng thời để kích cầu.

Tuy nhiên, thay vì đổ tiền vào mua sắm sau khi nhận được tiền hỗ trợ, nhiều người dân đem gửi tiết kiệm.

Theo WSJ, tại Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã tăng lên mức kỷ lục 33,6% vào tháng 4 - cao điểm đợt phong tỏa, nhưng sau đó giảm về 14,1% vào tháng 8. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với 8,3% vào tháng 2, trước khi đại dịch xảy ra. Điều này cho thấy dù các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn vào cuối mùa hè, họ vẫn chưa hoàn toàn quay lại thói quen cũ.

Tương tự, người dân ở Nhật Bản, Úc cũng lựa chọn giải pháp tiết kiệm thay vì mua sắm thả phanh sau chuỗi ngày phải dồn nén chi tiêu vì dịch bệnh.

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch, cầu của người dân bị "méo" đi so với bình thường cũng là điều phù hợp với tâm lý của con người, bởi họ lo lắng đại dịch Covid-19 không biết đến khi nào mới kết thúc, từ đó điều tiết mức tiêu dùng.

Đối với chính phủ các nước, người dân tiêu hết tiền cứu trợ chưa hẳn đã là điều mừng, bởi khi người dân tiêu tiền, cầu sẽ tăng lên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thế nhưng việc kiểm soát Covid-19 cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump và đối thủ của ông trên đường đua vào Nhà Trắng đã đưa ra nhiều cam kết, nhưng đến nay số người mắc và chết vì Covid-19 tại Mỹ vẫn không ngừng tăng lên.

"Có thể nói dự báo khó nhất hiện nay chính là dự báo bao giờ đại dịch Covid-19 kết thúc. Cho nên, các chính sách đưa ra trong giai đoạn này chỉ có tính chất áng chừng, Nhà nước có thể dè chừng nhu cầu của người dân, và dự báo phải khá chính xác về cầu trong điều kiện dịch bệnh, không thể vung tay quá trán", PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.

Đối với câu chuyện hỗ trợ trong thời dịch bệnh, theo vị chuyên gia, phải tính toán đến hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội - một mặt ổn định được tình hình xã hội, mặt khác duy trì được nhịp điệu kinh tế không bị u ám quá.

Cũng vì lẽ này mà hình thức hỗ trợ ra sao là vấn đề đau đầu bởi hoạt động kinh tế đã bị rối loạn, bị tác động bởi yếu tố phi kinh tế là dịch bệnh, làm sao để phân bổ các nguồn lực đúng địa chỉ, làm sao để không bị trục lợi trong khi ngân sách nhà nước chỉ có hạn?

Câu hỏi cần trả lời trước khi đưa ra gói hỗ trợ đợt 2

Trong lần bùng phát Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã có nhiều gói hỗ trợ tiếp sức cho nền kinh tế như gói hỗ trợ về tài khóa với các biện pháp giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất có quy mô 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ 250.000 tỷ đồng và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.

Trong đó, với gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội đến nay mới giải ngân được hơn 17.000 tỷ đồng.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, mới có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid–19.

PGS.TS Lê Cao Đoàn đánh giá, từ lúc ban hành các gói hỗ trợ đợt 1 đến nay đã gần 6 tháng mà mới chỉ đạt được như vậy là quá thấp bởi đại dịch xảy ra như quả đấm thép vào nền kinh tế, làm doanh nghiệp ngắc nghẻo, số doanh nghiệp cần cứu trợ rất lớn.

Trong bối cảnh nêu trên, một gói hỗ trợ mới đã được tính đến, Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nguồn kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng, sẽ tập trung ở chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm và đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Khẳng định cứu trợ doanh nghiệp và người lao động như cứu hỏa, song PGS.TS Lê Cao Đoàn cũng lưu ý rằng, trước khi xem xét, quyết định đưa ra gói hỗ trợ đợt 2, cần phải tổng kết, đánh giá hiệu quả của gói hỗ trợ đợt 1, trong đó ông đặt ra rất nhiều câu hỏi: Gói cứu trợ đầu tiên đã giải ngân được bao nhiêu? Vào được những điểm nào? Những loại doanh nghiệp nào được cứu trợ? Tiền đã tiêu hết chưa? Nếu tiêu hết mà mới chỉ 3% doanh nghiệp tiếp cận được thì không khác nào muối bỏ bể, còn nếu tiền chưa tiêu hết thì chứng tỏ tiền đang không biết bơm vào đâu, hoặc việc bơm bị tắc nghẽn...

"Chưa thể quyết định về gói cứu trợ đợt 2 khi chưa có các thực chứng, nghiên cứu thực nghiệm rõ về gói hỗ trợ đợt 1. Phải có tổng kết về gói đầu tiên thì mới có thể quyết định là có nên hay có đáng tiếp tục bỏ tiền ra cứu trợ hay không. Nếu không có câu trả lời thỏa đáng thì không khác nào đổ dầu vào lửa, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước", vị chuyên gia cảnh báo.

Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp, PGS.TS Lê Cao Đoàn lưu ý đến 3 chủ thể lớn trong nền kinh tế: chủ thể kinh tế nhà nước; chủ thể kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và chủ thể kinh tế tư nhân. Ba chủ thể này có vị thế rất khác nhau trong nền kinh tế.

Bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế tư nhân, tuy nhiên ở Việt Nam, đây lại là thành phần èo uột nhất khi bị hai chủ thể là kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chèn ép. Chưa kể, trong kinh tế tư nhân, có một số doanh nghiệp nổi lên nhưng lại cũng chèn ép những doanh nghiệp tư nhân yếu thế hơn.

"Cho nên, kinh tế tư nhân thực chất bị chèn ép bởi 3 thành phần: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế nhà nước và "cá mập" trong khối tư nhân. Vì lẽ đó, phần lớn bộ phận trong kinh tế tư nhân rất yếu, đến khi xảy ra đại dịch, trong các thành phần này ai sẽ được hỗ trợ? Đến nay đã có cơ quan nào thống kê bao nhiêu phần trăm các đối tượng này tiếp cận được gói hỗ trợ ?

Thực tế là có nhóm doanh nghiệp có thể lên tiếng về những khó khăn của mình, có nhóm doanh nghiệp không thể hoặc không có điều kiện lên tiếng về khó khăn của mình.

Chẳng hạn, những đối tượng trong nhóm thứ nhất như doanh nghiệp nhà nước thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các doanh nghiệp bất động sản, BOT có hiệp hội "chống lưng" thông qua đó sẽ kêu khó. Còn những doanh nghiệp thực sự khó khăn - những doanh nghiệp "li ti" thường không có điều kiện phản ánh, hoặc họ đã quá quen với khó khăn, nên tự hiểu tiếng nói của mình được lắng nghe đến đâu", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại