Gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Đừng làm khó doanh nghiệp
Trong khi các nhà hoạch định chính sách bàn về các gói hỗ trợ tiếp theo dành cho doanh nghiệp bị tác động của Covid-19, doanh nghiệp nói, chỉ mong tiếp cận được.
Doanh nghiệp cần tiền…
Giữa trang web chính thức của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gravity, chuyên sản xuất các loại túi, balo và các sản phẩm từ vải không dệt ở Cai Lậy (Tiền Giang), là dòng chữ màu đỏ: “Công ty đóng cửa”.
“Công ty đã hết đơn hàng, nên từ ngày 25/8/2020, chúng tôi tạm ngừng hoạt động, chưa biết bao giờ mở lại. Đây là lần thứ hai. Lần đầu tiên là tháng 4/2020, chúng tôi nghỉ 1 tuần cũng vì hết đơn hàng, rồi đi làm lại, nhưng lỗ từ đó tới nay. Chúng tôi có 120 công nhân, không muốn sa thải ai”, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Tuy vậy, Gravity vẫn chưa được là đối tượng của gói vay ưu đãi với mức lãi suất 0% để trả lương cho công nhân.
“Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Cai Lậy có gọi điện đến hỏi thăm tình hình, nhưng chúng tôi nói không đủ điều kiện. Nếu doanh nghiệp có tiền phải trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 - 30/6/2020, đã không phải xin hỗ trợ. Còn nếu đạt điều kiện doanh nghiệp không cân đối đủ nguồn để trả lương cho người lao động ngừng việc, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương, thì doanh nghiệp phá sản”, ông Phong giải trình.
Nhưng điều chắc chắn Gravity đủ điều kiện, đó là có tài sản thế chấp vay ngân hàng.
“Công ty tạm ngừng, nhưng chúng tôi vẫn lo trả lãi suất ngân hàng cho khoản 1,5 tỷ đồng với lãi vay là 6%/năm; tiền thuê mặt bằng 33 triệu đồng/tháng không ai cho giảm… Lúc này, Chính phủ có thể tính đến cơ chế cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%, thế chấp bằng tài sản. Chúng tôi cần tiền trả lương, duy trì hoạt động và để tìm cách có đơn hàng mới”, ông Phong đề xuất.
Tình trạng của Công ty Gravity không cá biệt. Trong khảo sát 360 doanh nghiệp mà Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa thực hiện giữa tháng 8/2020 cho thấy, không ít doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động (tới 20%). Lý do là dòng tiền vào chỉ đáp ứng 25-30% chi phí…
Nhưng ngay cả những doanh nghiệp còn hoạt động, việc cân đối thu - chi cũng đang làm đau đầu các vị lãnh đạo, vì doanh thu giảm mạnh, nhưng tiền thuê đất, các khoản phải nộp như bảo hiểm xã hội, tiền điện, tiền nước, phí ngân hàng, thuế VAT… không được giảm. Phần lớn doanh nghiệp đang ở tình trạng thu chỉ bù khoảng 50-70% chi.
Và sợ bơ vơ
Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (Bình Dương) dành cho cơ quan thuế sự tin tưởng. “Khi có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan thuế gửi cho chúng tôi thông tin, để doanh nghiệp thực hiện. Nhưng chỉ có cơ quan thuế làm việc này, còn cơ quan bảo hiểm xã hội, ngân hàng thì không. Thậm chí, ngân hàng đang làm việc với chúng tôi còn làm khó doanh nghiệp, buộc chúng tôi phải tìm ngân hàng khác”, ông Trọng thẳng thắn.
Dù sao, Công ty Sáng Ban Mai còn có cơ quan quản lý tìm đến, nhiều doanh nghiệp khác không có được sự đồng cảm kịp thời đó, nên đứng ngoài các giải pháp hỗ trợ, thậm chí cảm thấy bơ vơ. Có doanh nghiệp nói, họ có nghe thông tin trên truyền thông, nhưng thấy không đáp ứng được, nên không muốn tiếp cận.
Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại cơ khí Kim Chung (Bình Dương) thực sự không biết đến đâu để nhận hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19.
“Tôi hỏi cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương để xin đóng chậm, thì họ nói chưa có chủ trương; hỏi bên điện lực xin chậm nộp, nhưng vẫn bị thông báo cắt điện. Chỉ có bên ngân hàng, tuy vẫn nhắc quá hạn, nhưng không gay gắt lắm…”, bà Châu nói.
Với các doanh nghiệp Bình Dương, theo bà Châu, Sở Công thương của tỉnh có gửi yêu cầu báo cáo ảnh hưởng, nhưng chưa có cơ quan nào hướng dẫn. Theo bà Châu, Sở Công thương nên làm đầu mối, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ vận tải và du lịch Netviet đề nghị xác định rõ ngân sách dành cho hỗ trợ. Ông Tùng đã chủ động đến cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng để tìm hiểu các thủ tục tiếp cận gói hỗ trợ, có làm thủ tục, nhưng không được. “Chắc do ngân sách cũng khó khăn”, ông Tùng nói.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Các quy định, điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ phải cụ thể, rõ ràng, thực hiện được.
- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Khánh Trang (Khánh Hòa)
Gói hỗ trợ tiếp theo là cần thiết, như oxy cho doanh nghiệp, nhưng làm sao để thực hiện được càng sớm càng tốt, đừng để lâu quá, để doanh nghiệp chết lâm sàng rồi mới cứu thì khó sống, nếu sống cũng khó khỏe ngay.
Đề nghị điều chỉnh các quy định, điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tới từng hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, để doanh nghiệp có thể thấy rõ và thực hiện ngay. Không nên để điều kiện là doanh nghiệp dừng sản xuất mới được tiếp cận vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất, nghĩa là đợi doanh nghiệp gần chết mới cứu.
Các giải pháp hiện tại, gồm gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng; tạm dừng đóng báo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; không điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá…, nếu thực hiện được, sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp lúc này.
Doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế nên được hỗ trợ với điều kiện đơn giản hơn.
- Ông Nguyễn Trần Trung, Giám đốc Công ty Đầu tư Đức Dương (Hà Nội)
Đề nghị được miễn thuế môn bài, miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội trong một khoảng thời gian đủ dài. Căn cứ trên hồ sơ lao động đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và tiền lương doanh nghiệp chi trả qua thẻ, ngân hàng cho vay ưu đãi để trả lương cho người lao động, không cần thêm các điều kiện khác.
Có chính sách cho doanh nghiệp có lịch sử giao dịch tốt với ngân hàng, như giảm lãi vay, kéo dài thời gian cho vay. Đề nghị giảm ngay phí ngân hàng, vì cái này có thể thực hiện được ngay.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất… nên được hỗ trợ với điều kiện đơn giản hơn. Giải pháp xa hơn là hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Hỗ trợ doanh nghiệp bị giảm doanh thu từ 50% so với cùng kỳ năm 2019.
- Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (Bình Dương)
Đề nghị ngân hàng thương mại giãn nợ thêm 3-6 tháng, dựa trên báo cáo doanh thu, nếu giảm từ 50% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu ngân hàng cứ chăm chăm thu nợ, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì không đủ dòng tiền, khi đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có thể chết.
Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân khoản vay lãi suất 0% để doanh nghiệp trả lương cho người lao động cùng với điều kiện trên.
Đề nghị giãn nộp thuế VAT hàng nhập khẩu 90-180 ngày. Hiện doanh nghiệp vẫn phải nộp ngay khi hàng về, nhưng vì hàng bán chậm, nên lại khó khăn thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận