[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Thùng rỗng kêu to!
Doanh nghiệp có vốn đăng ký khủng 144.000 tỷ đồng với “gia thế” bán nước đóng bình có lẽ là một trong những chuyện gây chú ý nhất tuần qua.
Nếu có một bình chọn nào đó cho thấy mức độ quan tâm của người dân với các vấn đề lớn của thế giới và Việt Nam tuần qua, thì có lẽ sự ra đời nhuốm màu ly kỳ và cái kết bi hài của CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) sẽ xếp thứ 3 - tương ứng với quy mô vốn ảo của doanh nghiệp này xét trên cả nước - và chỉ đứng sau sự quan tâm về diễn biến dịch SARS-CoV-2 hay chuyện Nhà nước nên quyết cho học sinh đi hay nghỉ học tiếp tới đây.
Với hiện tượng 144.000 tỷ đồng tương đương 6,3 tỷ USD vốn điều lệ đăng ký của USC Interco “gây hôn mê “ thần kinh thị trường, một chuyên gia chia sẻ rằng từ câu chuyện này, chúng ta cần mọi vấn đề ở khía cạnh khác - thay vì nhận diện con số, hãy lưu tâm vài quy tắc bất thành văn trong kinh doanh.
Trong môi trường kinh doanh Việt Nam, trước nay hầu hết các doanh nghiệp có thực lực đều luôn thận trọng khi đưa ra số vốn đầu tư, kế cả mức vốn dừng ở phạm trù "đăng ký", chưa thực tế giải ngân.
Samsung Việt Nam- doanh nghiệp mà thế giới lo ngại là lỡ có "hắt hơi"- kinh tế 100 triệu dân sẽ có nguy cơ bị "sổ mũi", mặc dù đã định trục đầu tư tại đây và có hàng chục năm tìm hiểu, hợp tác đến đầu tư, cũng rất thận trọng khi đăng ký vốn đầu tư theo từng giai đoạn. Hay như trường hợp Vingroup đầu tư VinFast.
Tuy "nhà Vin” đã khiến cả thế giới choáng váng lẫn xầm xì về tốc độ phát triển trong sản xuất ô tô trên mọi phương diện từ lên thiết kế, làm nhà máy, ra sản phẩm, xây thương hiệu đến chiến lược tài chính “đánh úp” các thị trường bằng M&A và có thể còn nhiều phương thức khác, nhưng Tập đoàn này cũng chưa bao giờ đưa ra một con số ấn định duy nhất theo kiểu đặt 10 tỷ USD hay 20 tỷ USD để làm VinFast. Họ chỉ tuyên bố một vài con số theo hướng phân bổ vốn đầu tư phù hợp ở những thời điểm cần tuyên bố. Điều đó thể hiện sự không ngoan thượng thừa quản trị tài chính, chưa nói tới sự thượng thừa trong kinh doanh.
“Việc đặt một con số khủng tương tự như đặt kịch một khoản tiền ra giữa thương trường để tuyên bố tôi bước vào hoạt động kinh doanh, nhìn chung không phải là lựa chọn của các doanh nghiệp lớn hay những doanh nghiệp có các "đại gia giấu mặt" phía sau. Chưa kể, bối cảnh kinh doanh mà doanh nghiệp một khi muốn tham gia, bắt buộc phải tìm hiểu, càng khiến họ không chọn “show up” thực lực một cách vô nghĩa như trường hợp USC Interco, trừ phi muốn "chơi trội" trong một ngày", chuyên gia cho hay.
Và vì sao doanh nghiệp làm được như vậy?
Ai đã từng đi đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, hầu hết đều sẽ biết rõ chúng ta được quyền tự do chọn mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Sau 90 ngày, doanh nghiệp phải góp vốn đủ.
Quy định này thể hiện pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự do kinh doanh. Điều đó hoàn toàn đúng. Và càng phù hợp khi Chính phủ đang khuyến khích kinh tế tư nhân, hướng đến mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp (thời hạn ở năm nay).
Nhưng thực tế đã có bao nhiêu doanh nghiệp sau khi đăng ký vốn góp được cơ quan đăng ký kiểm tra, giám sát để thực thi đúng quy định vốn góp đủ trong 90 ngày sau đăng ký? Và bao nhiêu doanh nghiệp bị phạt (chế tài nhẹ) và đăng ký lại giảm vốn?
Hầu hết hiện nay, cơ quan giám sát, kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký sẽ chú trọng các yếu tố như: Có trụ sở (có thể thuê, mượn như trường hợp USC Interco) để đăng ký kinh doanh nhưng không được là căn hộ chung cư, có số điện thoại, tài khoản, đăng ký dấu, hoàn tất các thủ tục báo cáo tài chính tháng theo quy định. Theo đó, doanh nghiệp “tự điền” vốn điều lệ bao nhiêu, trừ tổ chức có thực hiện chuyển khoản (mà sau chuyển khoản có thể dùng chi lương, rút vốn... không ai quản), thì các cá nhân vẫn là...tự biết với nhau. Một luật sư mới chua chát nhận xét rằng: "Không ở đâu lên đời Giám đốc, Chủ tịch doanh nghiệp dễ như ở Việt Nam".
Trở lại trường hợp của USC Interco. Như mọi doanh nghiệp khác, công ty có quyền đăng ký vốn điều lệ khủng, góp vốn đủ trong 90 ngày. Đáng nói là ngay tại thời điểm thời điểm đăng ký, trong nhiều lĩnh vực kinh doanh mà Công ty này điền trên giấy phép, có lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đây là một trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và thuộc nhóm hơn 70 ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định. Mức vốn pháp định của lĩnh vực bất động sản không nhỏ, chỉ thua 1 số lĩnh vực như bảo hiểm, tài chính ngân hàng, cụ thể là 20 tỷ đồng với doanh nghiệp kinh doanh.
Riêng dịch vụ bất động sản không bắt buộc vốn pháp định ký quỹ nhưng lại yêu cầu 1 trong 2 (tối thiểu thành viên lập công ty tổ chức) phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nhẽ nào do đăng ký trực tuyến, hay do số vốn điều lệ được điền quá lớn, nên cán bộ cơ quan tiếp nhận đăng ký cũng "choáng" quên luôn các quy định yêu cầu thủ tục đối với doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện?
Có thể thấy trong lỗ hổng của giám sát vốn doanh nghiệp khi đăng ký thành lập, còn những lỗ hổng khác đan xen từ sự bất cập giữa tôn trọng quyền tự do kinh doanh doanh nghiệp với thực tế tuân thủ và đảm bảo hiệu quả của các quy định. Những lỗ hổng mà USC Interco hay “voi chui cũng lọt” khiến ghi nhận vốn đầu tư xã hội không đúng. Điều đó dẫn đến không chỉ xã hội mất chi phí thời gian vào những ưu tiên cần kíp ngay một thời điểm, mà còn hệ lụy dắt dây sai khác cho những định hướng, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh phù hợp thực tế và dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận