Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Dòng tiền vẫn trực chờ cơ hội giải ngân
Theo một số chuyên gia chứng khoán, trong bối cảnh dòng tiền đang trực chờ cơ hội giải ngân, nhà đầu tư nên quan sát trong từng giai đoạn, xem nhóm nào nhận được dòng tiền thời gian qua và khả năng từ đây đến sang năm 2021.
Với sự sôi động của dòng tiền đã giúp thị trường ghi nhận một tuần giao dịch khá thành công, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 28 điểm và tịnh tiến đến mốc 970 điểm. Theo các ông/bà, diễn biến trong tuần tới sẽ theo xu hướng nào, khi thị trường đang đánh giá đây là ngưỡng cản?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank
Nhịp điều chỉnh trước đó coi như đã kết thúc ngay từ phiên giao dịch đầu tuần (+13.7đ), xu thế bò dần lên của chỉ số đã được tái lập và còn khả năng tiếp diễn trong tuần tới (nhưng sẽ xen kẽ các phiên tăng/giảm), tuy nhiên thử thách tại vùng 965-975 (cũng là vùng đỉnh gần nhất) được cho là không phải dễ dàng, do vậy cũng có thể nói thị trường đang ở ngưỡng khá nhạy cảm.
Có lẽ sẽ cần thêm những phiên tích lũy tại vùng cản này, và trong các phiên giằng co sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh nên đòi hỏi nhà đầu tư cần chọn lọc danh mục cẩn thận hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
TTCK vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng giá của mình từ tháng 4 và đang tiến đến vùng kháng cự mạnh quanh mức 980 điểm vốn là vùng thử thách nhiều hơn trong quá khứ thậm chí hơn cả mức 1.000 điểm. Đây chính là thử thách mạnh nhất của thị trường nếu muốn tiến lên các vùng giá cao hơn cũng như đạt các kỷ lục mới.
Nếu vượt được mốc này sẽ hứa hẹn tương lai tươi sáng tiếp tục và ngược lại trong bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính đang đi theo mô hình chữ K vì dịch Covid-19 đã làm kinh tế suy yếu.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có thể vẫn duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index vẫn có khả năng vượt được mức kháng cự 970 điểm.
Hiện nay, dòng tiền vẫn duy trì ở mức cao và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đang bền vững và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Các chỉ số vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã chịu tác động từ dịch bệnh. Tuy nhiên, càng về cuối năm, các thông số này đang diễn biến theo hướng tích cực hơn. Điều này có giúp thị trường thiết lập lại mốc 1.000 điểm từ nay đến cuối năm?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank
Việt Nam được coi là 1 trong những đất nước thành công nhất trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, do vậy nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao so với khu vực và thế giới, đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho sự hồi phục, sức bật của nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền đang có sự vận động mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu Bluechips, vốn có tác động lớn lên chỉ số VN-Index, trong trường hợp không xuất hiện yếu tố tiêu cực bất ngờ dẫn tới việc dòng tiền rút ra khỏi thị trường thì mốc 1000 điểm được đánh giá là khả thi.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Đầu tiên cần lưu ý là tích cực ở đây là so với thời điểm cách ly xã hội và so với mức đáy chứ để về trước đại dịch thì vẫn còn là một con đường dài khi mà nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa trước cả sự phục hồi này.
Bên cạnh đó, sự tích cực này của doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải tiếp tục tăng trưởng cũng như duy trì mức độ tăng trưởng này trong khi hiện nay số liệu tích cực có biểu hiện đuối sức vì thương mại và giao thương quốc tế vẫn bị hạn chế cũng như dịch trên thế giới bùng phát giai đoạn 2 và cả 3 ở nhiều nước. Do đó chỉ riêng kinh tế nội địa sẽ chỉ có một giới hạn nhất định cho sự phát triển.
Tuy vậy, TTCK vẫn gây bất ngờ trong năm nay có thể không cần tới kinh tế tốt hay xấu, ít nhất là trong ngắn hạn khi mà dòng tiền vẫn duy trì, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới gia tăng.
Nhưng nếu mô hình chữ K này không sớm đi song hành với nhau thì rủi ro dài hạn cũng thật là lớn vì sợi dây bị căng sẽ gây ra nhiều hệ lụy và mốc 1.000 điểm dù có đạt được thì mức độ bền vững sẽ kém đi.
Ông Nguyễn Thế Minh –Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam
Thị trường đang dần hưởng lợi từ đà hồi phục trở lại của nền kinh tế sau hậu Covid-19 theo mô hình chữ V cho nên tôi cho rằng dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn nhiều và chỉ số VN-Index có khả năng sẽ sớm tiệm cận mức 1.000 điểm trong những tháng còn lại của năm 2020.
Dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn đang là điểm tựa chính của thị trường nhờ lực cầu tăng mạnh, khiến cổ phiếu ghi nhận tăng mạnh cả về giá lẫn thanh khoản như BID, CTG, MBB, STB… Nếu chạy theo nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm này thì xác suất rủi ro và cơ hội như thế nào, theo góc nhìn của các ông/bà?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank
Bất chấp những lo ngại về tình hình dịch bệnh và dự báo khó khăn, hàng loạt Ngân hàng vẫn công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực cộng với tính thanh khoản cao của nhóm này, sự thu hút với dòng tiền ngắn hạn là không khó hiểu.
Nếu thị trường còn giữ được xu hướng tăng (ít nhất là về mặt chỉ số) thì giao dịch tại nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn hứa hẹn sẽ sôi động, nhưng sự phân hóa và đà tăng xen kẽ sẽ trở nên rõ nét hơn, cơ hội hiện tại vẫn được đánh giá cao nhưng nhà đầu tư cần có sự chọn lọc tránh việc chạy theo dòng tiền, mua đuổi giá cao để phòng ngừa rủi ro.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Cổ phiếu Ngân hàng vốn đã tăng nhiều và quá xa, việc tham gia mới chỉ nên ngắn hạn và rủi ro của nhóm cũng không hề nhỏ như trước nữa.
Việc nắm giữ trung hạn cũng đáng e ngại khi mức tăng ngày càng cao sẽ làm tỷ lệ lợi nhuận giảm bớt và cần có thêm dòng tiền lớn hơn chảy vào thị trường cũng như nhóm ngân hàng.
Bối cảnh hiện nay nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng và nhà đầu tư e dè thì rủi ro nắm giữ dài sẽ cao hơn là ngắn hạn trừ khi các dòng tiền trên quay lại thị trường chứ không chỉ riêng nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu F0... là chủ lực trong lúc này.
Ông Nguyễn Thế Minh –Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính đà tăng của thị trường trong thời điểm tới.
Dự báo mức tăng trưởng tín dụng có thể hồi phục trong quý IV/2020 và các khoản thu nhập ngoài lãi như trái phiếu và từ Bancassurance sẽ là những động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng trong quý IV/2020.
Tuy nhiên, rủi ro của các ngân hàng cũng sẽ dần xuất hiện vào quý IV/2020 và quý I/2021 với tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh và các ngân hàng sẽ gia tăng chi phí dự phòng ảnh hưởng trực tiếp lên lợi nhuận của các ngân hàng. Nhưng tôi kỳ vọng nợ xấu cũng có thể dần được kiểm soát trở lại trong quý II/2021 khi nền kinh tế hồi phục ổn định hơn sau giai đoạn dịch Covid-19.
Dù thị trường nhiều thời điểm đã đi vào vùng quá bán, nhưng dòng tiền dường như vẫn đang trực chờ cơ hội để giải ngân. Ở góc độ đầu tư, đâu sẽ là lựa chọn của ông/bà ở thời điểm này?
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank
Đúng vậy, sự vận động của dòng tiền được duy trì liên tục trong suốt vài tháng qua, dòng tiền ngắn hạn vẫn luôn ở trong thị trường mà chưa lúc nào có dấu hiệu rút ra, chỉ tạm thời đứng ngoài quan sát trong 1 số thời điểm.
Do đánh giá thị trường đang ở ngưỡng nhạy cảm như đã nói, tôi lưu ý việc hạn chế mua đuổi, nên mua ở những nhịp điều chỉnh của thị trường hoặc cổ phiếu theo dõi, ưu tiên cơ cấu danh mục sang nhóm cổ phiếu Midcaps có nền tảng cơ bản tốt (bán lẻ, dệt may, phân đạm..).
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Hiện đầu tư ngắn hạn theo sóng có độ an toàn cao hơn vì các cổ phiếu đều tăng nhiều mà sự điều chỉnh không có bao nhiều trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp trong năm nay, các nhà đầu tư lớn lại tập trung vào các kênh an toàn như vàng, TPCP, TPDN... sẽ hạn chế phần nào dòng tiền trên TTCK vốn chủ lực hiện nay là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư F0 hoặc một vài tổ chức, tuy nhiên họ cũng chỉ tập trung vào một số cổ phiếu hoặc doanh nghiệp nền tảng mà thôi.
Do đó, nhà đầu tư nên quan sát dòng tiền trong từng giai đoạn, xem nhóm nào nhận được dòng tiền như nhóm ngân hàng, tài chính - chứng khoán, thép... thời gian qua và khả năng là các nhóm công nghệ, vận tải, năng lượng, tiêu dùng... từ đây đến sang năm 2021.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc bộ phận phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục mở rộng xu hướng tăng về các mức cao hơn và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp nên khả năng điều chỉnh mạnh của thị trường được đánh giá thấp.
Vì vậy, các nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ vị thế mua và nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chú ý vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, sản xuất thực phẩm, vật liệu xây dựng và vận tải.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận