Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành vật liệu xây dựng (Kỳ 1)
Đà phục hồi về nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) toàn cầu cùng lực cầu đến từ các dự án hạ tầng giao thông trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo cú hích cho hoạt động kinh doanh của ngành VLXD trong thời gian tới.
Triển vọng khởi sắc trong năm 2021
Thị trường xi măng
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2020 đã tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ của nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành xi măng. Theo báo cáo mới nhất của IFC (International Finance Corporation), thế giới có hơn 1,000 công ty sản xuất xi măng đang vận hành hơn 2,300 nhà máy liên hợp và hơn 600 trạm nghiền.
Năm quốc gia chiếm gần 3/4 sản lượng xi măng thế giới là Trung Quốc (dẫn đầu với 57% thị phần), Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ và Indonesia. Khi nhu cầu toàn cầu trì trệ kéo dài gần một thập kỷ qua, việc mở rộng công suất trong lịch sử đã nhường chỗ cho tình trạng dư thừa công suất với mức sử dụng trung bình toàn cầu là khoảng 70%.
Cũng theo báo cáo trên của IFC, hầu hết các nước trong khu vực châu Á đều có mức sụt giảm nhu cầu xi măng khá mạnh (trừ Trung Quốc). Việt Nam được xếp vào nhóm giảm nhẹ (slight decline).
So sánh nhu cầu xi măng năm 2020 và 2019 của các khu vực trên thế giới
Chú thích:
CIS = Commonwealth of Independent States; CEE = Central and Eastern Europe;
MENA = Middle East and North Africa; LATAM = Latin America
Trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ xi măng được dự báo có thể sẽ tăng 3%-5% nhờ sự hồi phục trở lại của nền kinh tế và việc đẩy mạnh đầu tư công. Điều này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với ngành VLXD nói chung và ngành xi măng nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng dư cung là rất lớn nên sẽ khó có thể kỳ vọng sẽ có bước đột phá đáng kể trên thị trường này trong năm 2021.
Thị trường sắt thép
Theo World Steel Association, sản lượng thép thô thế giới tháng 12/2020 tại 64 nước đạt 160.8 triệu tấn, tăng 5.8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, sản lượng thép thô thế giới đạt 1.83 tỷ tấn, giảm nhẹ 0.87% so với năm 2019.
Năm 2020, dù trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 song ngành thép Việt Nam vẫn ghi nhận những con số khả quan. Lũy kế trong cả năm 2020, Việt Nam sản xuất thép các loại đạt khoảng 25.9 triệu tấn, tăng 2.7% so với cùng kỳ năm 2019. Bán hàng thép các loại đạt khoảng 23.4 triệu tấn, tăng 1.4% so với cùng kỳ 2019.
Về xuất khẩu, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm 2020 đạt 9.86 triệu tấn, kim ngạch gần 5.26 tỷ USD; tăng lần lượt 47.9% và 25.1% so với năm 2019. Đáng chú ý là xuất khẩu sắt thép sang thị trường Trung Quốc đạt kỷ lục hơn 3.5 triệu tấn, tăng hơn 700% so với cùng kỳ.
Năm 2021, giới phân tích đều dự báo kịch bản khả quan đối với ngành sát thép. Cụ thể, theo World Steel Association, nhu cầu thép toàn cầu dự báo sẽ phục hồi 4.1% trong năm 2021. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất thép của Việt Nam.
Với nhu cầu thép trong nước, giới phân tích dự báo sẽ tăng khoảng 3-5% trong năm 2021 nhờ triển vọng phục hồi chung của nền kinh tế, cùng với đó là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Thị trường đá xây dựng
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển ngành VLXD đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng nhu cầu đá xây dựng cả nước trong năm 2020 ước tính đạt 181 triệu m3. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại các tỉnh Đông Nam Bộ được dự báo sẽ tăng mạnh nhất.
Đô thị hóa và công nghiệp hóa là một trong những động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành xây dựng nói chung và ngành đá xây dựng nói riêng. Bên cạnh đó, với dòng vốn đầu tư FDI dồi dào cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng trên cả nước. Đồng thời, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Sân bay Quốc Tế Long Thành, các tuyến Metro, … cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đây sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp ngành đá xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận