Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành công nghệ thông tin và viễn thông (Kỳ 1)
Ngành công nghệ thông tin và viễn thông sẽ được hưởng lợi từ yếu tố chu kỳ trên thế giới cũng như sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Các chính sách đầy tham vọng của Chính phủ sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành này tiến xa.
Hưởng lợi từ Chu kỳ Tổng thống Mỹ
Bầu cử Tổng thống là một sự kiện vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ. Cả thế giới đều chú ý theo dõi cuộc bầu cử này vì kết quả của nó chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung trong tương lai.
Chu kỳ tổng thống cũng xuất phát từ sự kiện bầu cử này. Theo đó, thị trường sẽ có chiều hướng giảm sau kỳ bầu cử vì tổng thống mới có những chính sách điều chỉnh nền kinh tế. Vào giữa nhiệm kỳ tổng thống, thị trường bắt đầu tăng do dự đoán tổng thống đương nhiệm sẽ thực thi các chính sách kinh tế để thu hút phiếu bầu.
Theo thống kê của Strategas Research Partners, ngành công nghệ thông tin được xem là “mỏ vàng” của Wall Street trong ba năm đầu nhiệm kỳ khi có mức tăng lần lượt là 18.3%, 15.7% và 36.1%. Bất kể ai trở thành chủ nhân Phòng Bầu dục của Nhà Trắng thì các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin chắc chắn phải có trong danh mục đầu tư của bạn trong giai đoạn đầu của chu kỳ Tổng thống.
Xu hướng trên sẽ góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường truyền thống đã bão hòa
Lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến trong việc hiện đại hóa và mở rộng hệ thống trong thời gian qua. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá thị trường viễn thông truyền thống trong thời gian tới sẽ khó có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng cao.
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, năm 2019 cả nước có khoảng 125.7 triệu thuê bao di động. Với tổng dân số khoảng 96.2 triệu người thì trung bình mỗi người dân sẽ sở hữu 1.30 thuê bao di động, gần ngang bằng với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này cho thấy thị trường đã bão hòa và việc phát triển thêm thuê bao mới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, xu hướng phát triển ngày càng mạnh của các ứng dụng OTT (Over-The-Top application) như Facebook, Zalo, Skype, Viber,… cũng sẽ khiến cho doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống suy yếu nhanh hơn.
Dư địa phát triển của thị trường Internet băng rộng cố định còn lớn
Thị trường Internet băng thông rộng cố định (cáp quang) tại Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, số lượng thuê bao Internet băng rộng cố định đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Nếu như trong năm 2015, số lượng thuê bao Internet băng rộng cố định mới chỉ đạt 7.3 triệu thì tính đến hết tháng 11/2020 tổng số thuê bao đã lên tới hơn 16.5 triệu. Tốc độ tối đa cũng tăng từ 17.3Mbps năm 2015 lên hơn 54Mbps.
Tiềm năng, dư địa để Internet băng rộng cố định phát triển được đánh giá là vẫn còn lớn khi mà tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định của Việt Nam hiện khoảng 17.2 thuê bao/100 dân, tương đối thấp so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khoảng 23 thuê bao/100 dân.
Vừa qua, Chính phủ cũng ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia” với nhiều mục tiêu phát triển chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Trong đó, hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu “Phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang” đến toàn dân. Mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh,…
Trong bối cảnh thị trường thoại, tin nhắn liên tục suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận thì Internet băng rộng cố định được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm tựa vững chắc cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.
Mạng 5G sẽ là động lực phát triển mới cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông
Mạng 5G là tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả trên diện rộng. Trước đây, các tập đoàn lớn thường nhìn vào cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước,... khi đến đầu tư vào một quốc gia. Ngày nay, hạ tầng còn bao gồm các kết nối tốc độ cao, mạng viễn thông và di động. Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G, đây được xem là yếu tố giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Hiện có hơn 60 nhà mạng ở 30 quốc gia đã triển khai thương mại công nghệ 5G. Hơn 380 nhà mạng ở 120 quốc gia đang đầu tư để chuẩn bị triển khai 5G thương mại trong thời gian sắp tới. Dự kiến đến năm 2023, sẽ có khoảng 1 tỷ kết nối 5G trên toàn cầu và sẽ tăng lên 2.8 tỷ vào năm 2025.
Theo GSMA Intelligence, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến sẽ chiếm khoảng 5% tổng số lượng thuê bao di động trong năm 2025. Mặt khác, việc triển khai sớm dịch vụ 5G cũng có thể sẽ giúp doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam tăng thêm khoảng 300 triệu USD/năm từ năm 2025. Hiện Viettel, VNPT và MobiFone là các nhà mạng đang thử nghiệm 5G, dự kiến trong năm 2021 sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ.
Song, dự kiến các nhà mạng sẽ cần phải đầu tư khoảng 1.5 - 2.5 tỷ USD cho hạ tầng công nghệ trong 5 năm tới để triển khai cũng như phát huy tối đa tốc độ của 5G.
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ
Chuyển đổi số đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030.
Trong đó nêu rõ định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Mục tiêu đến năm 2025 - 2030 sẽ phát triển 70,000 - 100,000 doanh nghiệp công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng bình quân từ 10 - 20%/năm; đóng góp từ 10 - 20% tăng trưởng GDP; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của một số Quốc gia khu vực ASEAN
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận