menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thục Quyên

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Dòng tiền lớn vẫn luôn chực chờ

Dòng tiền đứng ngoài chờ cơ hội đang rất lớn, chỉ cần chờ tín hiệu tăng là múc mạnh.

Dù diễn biến thị trường vẫn trong xu hướng điều chỉnh và nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát, nhưng dòng tiền lớn có thể sẵn sàng quay lại thị trường khi những yếu tố như dịch bệnh giảm bớt, vaccine triển khai diện rộng hay khi thị trường giảm về mức điểm hấp dẫn như khu vực 1.160 - 1.180 điểm.

Dù vẫn có đan xen những phiên hồi phục nhưng TTCK đã có một tuần giao dịch không mấy dễ chịu khi xu hướng giảm vẫn lấn át, độ rộng của thị trường nghiêng về bên bán. Diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với nhiều biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn và Hà Nội cũng đã áp dụng Chỉ thị 16 từ thứ Bảy (14/7) phần nào tác động đến tâm lý thị trường. Sự thận trọng của nhà đầu tư có tiếp tục là yếu tố trở ngại cho diễn biến của thị trường trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Năm ngoái chính yếu tố dịch bệnh làm cho nhiều người ở nhà, từ đó đầu tư nhiều, làn sóng nhà đầu tư F0 nở rộ giúp TTCK tăng điểm như vũ bão, nhưng năm nay cũng chính lý do này lại làm thị trường giảm điểm.

Các tổ chức quốc tế như Goldman Sach, ADB, Standard Charter liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như việc giãn cách xã hội quá lâu cũng khiến ngay cả người lạc quan nhất cũng lo lắng và TTCK đương nhiên không thể không bị ảnh hưởng. Do đó, không phải trong tuần tới, mà có thể nhiều tuần sắp tới TTCK vẫn trong một xu hướng tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Chỉ số VN-Index giảm vào phiên giao dịch cuối tuần, đóng cửa giảm 1,9% khi các nhà đầu tư bán cổ phiếu sau khi TP.HCM thông báo các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được kéo dài đến ngày 1/8. Ngoài ra, chỉ số VN-Index giảm 2,3% tính chung cả tuần, ghi nhận tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp.

Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của HNX-Index, VNMidcap và VNSmallcap quay trở về mức Tiêu cực, tương đồng với tín hiệu của VN-Index và VN30. Trong khi đó, tín hiệu trung hạn của các chỉ số này đều ở mức Trung tính.

Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index có thể sẽ kiểm định hỗ trợ gần nhất tại vùng 1.245 điểm trước khi rơi xuống hỗ trợ mạnh hơn ở vùng 1.190 điểm, tạo bởi đường MA200 ngày. Như vậy, tín hiệu hình thành đáy ngắn hạn chưa được hoàn thành và nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục quan sát thị trường với một tỷ trọng cổ phiếu thấp.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Dòng tiền lớn vẫn luôn chực chờ
Ông Lê Đức Khánh

Diễn biến đại dịch Covid-19 tại Việt Nam quả thực đang gây nhiều nỗi lo, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Tâm lý thận trọng giải ngân cũng như lo ngại về diễn biến điều chỉnh của thị trường đang khiến dòng tiền tham gia vào thị trường yếu đi rõ rệt. Có lẽ diễn biến điều chỉnh của thị trường có thể tiếp tục diễn ra trong tuần tới khi khả năng VN-Index hình thành đáy thứ 2.

Cũng liên quan đến yếu tố dịch bệnh, thống kê của BSC từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Phillipines, Malaysia… trong thời gian đầu tiên của làn sóng thứ 4 chủng Delta lan rộng, TTCK có giảm điểm nhưng mức độ giảm điểm là không đồng đều khoảng từ 6- 10%. Sau đó thì đa số các quốc gia này đều có chỉ số chứng khoán chính tăng trưởng trở lại tiến sát về đỉnh cũ, thậm chí là vượt đỉnh. Điều này có liên hệ như thế nào đến TTCK Việt Nam, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Dù là yếu tố này đi nữa phải phụ thuộc vào dòng tiền thị trường, với việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn kiên trì bán ròng và còn được tiếp sức bởi tự doanh trong nước trong bối cảnh nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư F0 vẫn là chủ đạo với tình hình thanh khoản sụt giảm liên tiếp thì trong ngắn hạn việc quay về đỉnh cũ là điều rất khó trừ khi các yếu tố trên thay đổi. Các yếu tố này chỉ có thể thay đổi khi dịch bệnh giảm bớt, vaccine triển khai diện rộng giúp niềm tin thị trường phục hồi.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Việc này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam có kéo dài hay không, nếu có thể kiểm soát được, tâm lý nhà đầu tư ổn định và thị trường sẽ có sự tích cực trở lại.

Ngoài ra, phụ trợ cho xu hướng tiêu cực là do thị trường cũng đang trong giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ do hầu hết các công ty đã công bố hết kết quả kinh doanh quý II.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS

Có lẽ trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang đe dọa, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, hành vi tiêu dùng, hoạt động đi lại của người dân thì hoạt động đầu tư cổ phiếu lại dễ dàng được tiếp nhận hơn đối với những người đang ở các nước trên thế giới chứ không chỉ các nước châu Á hay tại Việt Nam.

Do đó, mặc dù Covid 19 vẫn diễn biến có phần lan rộng hơn tại Việt Nam, TTCK đang đối mặt với nhịp điều chỉnh thêm ở tuần giao dịch tới nhưng khả năng khi thị trường giảm, một số cổ phiếu giảm về mức giá hấp dẫn lại kích hoạt dòng tiền "bắt đáy" tham gia. TTCK vẫn có thể là kênh thu hút dòng tiền ngay trong bối cảnh hiện tại.

Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ nhóm VN30 sang các nhóm cổ khác, đây cũng là nhân tố chính khiến thị trường giảm ở phiên cuối tuần. Ông/bà có dự báo như thế nào về xu hướng chuyển động của dòng tiền trong ngắn hạn?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Dòng tiền lớn vẫn luôn chực chờ
Ông Phan Dũng Khánh

Một số cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, các cổ phiếu mang tính phòng thủ, nhóm penny được hưởng lợi hơn trong lúc này, mức độ tác động tiêu cực vào các nhóm trên cũng ít hơn, một số thậm chí còn tác dụng ngược.

Trong thời điểm này, ngoài các nhóm trên thì các cổ phiếu bluechip, VN30 sẽ khó được hưởng lợi.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Xu hướng dòng tiền ngắn hạn hiện tại có sự phân hóa và giảm nhiều so với trước, một lượng lớn dòng tiền lướt sóng đang đứng ngoài thị trường, do giai đoạn này cũng không phù hợp với dòng tiền lướt sóng/ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS

Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán... một số cổ phiếu lớn điều chỉnh giai đoạn vừa qua không phải là bất ngờ. Diễn biến điều chỉnh có thể tiếp tục trong tuần tiếp theo nhưng dòng tiền lớn có thể sẵn sàng quay lại thị trường một khi giảm về mức điểm hấp dẫn như khu vực 1.160 - 1.180 điểm chẳng hạn.

Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ thị trường trong những phiên gần đây, với kỳ vọng đón đầu sóng ngành ở giai đoạn nửa cuối năm, nhưng xu hướng vẫn chưa rõ ràng. Ông/bà đánh giá như thế nào về tiềm năng của nhóm cổ phiếu bất động sản ở giai đoạn này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn đang rớt chung với thị trường từ cổ phiếu nhỏ đến cổ phiếu lớn dù mức độ giảm có khác nhau nhưng hầu như không cổ phiếu nào ngược dòng nổi, dòng tiền trong nhóm này cũng suy yếu với tình hình thị trường chung. Chưa có dấu hiệu nào nhóm này hút được dòng tiền nên tôi cũng không kỳ vọng vào nhóm này trong nửa cuối năm nay.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS

Cũng không thể nói chắc chắn về khả năng xuất hiện con sóng ngành bất động sản giai đoạn nửa cuối năm 2021 khi xuất hiện lực cầu mua mạnh ở một số cổ phiếu bất động sản tuần giao dịch vừa qua như KDH, NLG, DIG, DPG, SJS..., nhưng theo những thống kê trong quá khứ kèm theo việc đánh giá triển vọng của từng nhóm ngành cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền nửa cuối năm (tất nhiên là cũng kiểm tra thêm số liệu kết quả kinh doanh dự phóng của nhóm này) thì không chỉ nhóm bất động sản mà cả nhiều nhóm cổ phiếu ngành khác như cảng biển, dược phẩm, hóa chất... cũng sẽ dễ khả năng "nổi sóng".

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh về diễn biến phân hóa ở từng cổ phiếu riêng lẻ đặc thù chứ không muốn nói đến cả toàn bộ các cổ phiếu của từng ngành cụ thể. Doanh nghiệp nào, cổ phiếu nào có "chất" hơn về lợi thế quy mô, lợi thế vị trí địa lý, lợi thế về sản phẩm cũng như tiềm năng tăng trưởng trong đại dịch sẽ dễ hút dòng tiền hơn.

Sẽ còn quá sớm để nói về triển vọng nhóm bất động sản nhưng chí ít điều ấn tượng chúng ta đó là dòng tiền đẩy mạnh vào nhóm này ở giai đoạn tuần giao dịch vừa qua và cần phải kiểm định thêm khối lượng giao dịch ở tuần giao dịch tới.

Trong ngắn hạn, nhiều khuyến nghị vẫn đưa ra là nên đứng ngoài quan sát thêm thị trường nhưng với nhà đầu tư trung và dài hạn thì các đợt điều chỉnh của thị trường sẽ là các cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tốt có kết quả kinh doanh dự kiến tăng trưởng cao trong năm 2021, khi triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Còn chiến lược của các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (​MBKE)

Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng danh mục đầu tư, đặc biệt là danh mục có margin nên giảm nhanh nhất có thể và chuyển về tỷ trọng tiền ít nhất là một nửa danh mục.

Các cơ hội đầu tư chỉ tới với người đang nắm giữ tiền và quan sát được các dòng tiền chảy vào nhóm ngành tiềm năng trong thời gian tới.

Việc thị trường điều chỉnh không phải là cơ hội bắt đáy mà cần phải theo dõi tín hiệu phục hồi rõ ràng từ những điểm xoay chiều mạnh của dòng tiền trên thị trường, quan sát các nhóm cổ phiếu tiềm năng hút tiền để có thể xuống tiền cho chính xác.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Dòng tiền lớn vẫn luôn chực chờ
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Chiến lược hiện tại phù hợp cho nhà đầu tư trung và dài hạn, chọn danh mục cổ phiếu có triển vọng cuối năm, mua ở những thời điểm giá tốt và nắm giữ chờ đến cuối quý 3 hoặc cuối năm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS

Sẽ vẫn có cổ phiếu nắm giữ dài hơi và vẫn có những cổ phiếu không nên giữ trong ngắn hạn hoặc giải pháp đứng ngoài thị trường cũng không phải là lựa chọn tồi trong giai đoạn hiện tại.

Có lẽ đối với đại đa số nhà đầu tư sẽ khó mà dự báo diễn biến thị trường diễn ra như thế nào trong ngắn hạn - việc đầu tư cổ phiếu như thế nào là thận trọng, an toàn hiệu quả mà lại tốn ít công sức hơn vẫn nên là lựa chọn nên theo đuổi của các nhà đầu tư không chỉ giai đoạn thị trường điều chỉnh mà kể cả giai đoạn thị trường tăng điểm.

Tôi nghĩ giai đoạn này tạm thời chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu nhỏ và đó là những cổ phiếu "tiềm năng" nhất và chúng ta đợi cơ hội giải ngân tốt ở những phiên thị trường tạo đáy ở 1, 2 tuần tới để có thể căn vùng giá hấp dẫn để giải ngân trở lại.

Tất nhiên thẳng thắn mà nói không có nhiều nhà đầu tư có khả năng nhạy bén này nên việc ưu tiên chọn lựa cổ phiếu "rẻ" thấp hơn so với giá trị thực tế của cổ phiếu để nắm giữ dài hơi hơn vẫn là lựa chọn tối ưu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại