Góc nhìn chứng khoán: Tiền đang dịch chuyển đi đâu?
Lại thêm một phiên tăng thứ 6 liên tục và là phiên tăng thứ 14 của nhịp đi lên hiện tại. Đến hôm nay dấu hiệu của sự dịch chuyển tiền sang các cổ phiếu vốn hóa trung bình đã rất rõ ràng. Các trụ blue-chips chỉ còn tác dụng đỡ chỉ số.
Đầu tiên là nhóm blue-chips VN30 phiên này thanh khoản đã suy yếu nếu nhìn vào tổng thể thị phần. Giá trị khớp lệnh của nhóm này trong phiên đạt khoảng 2.332,1 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng giá trị khớp hai sàn. Đây là tỷ lệ kém nhất kể từ đầu năm và lần đầu tiên dưới 50%. Hầu hết các mã như HPG, MWG, VNM... vẫn thuộc nhóm giao dịch lớn nhất thị trường, nhưng rổ này đang suy giảm tỷ trọng.
Ngược lại, nhóm Midcap sàn HSX lại tăng tỷ trọng lên mức kỷ lục kể từ đầu năm. Phiên này Midcap giao dịch 1.205,6 tỷ đồng, chiếm 24,2% thị phần hai sàn. Những cổ phiếu như PVD, DXG, DPM, PVT, ITA khớp lệnh dẫn đầu nhóm Midcap thậm chí còn cạnh tranh thanh khoản với nhiều blue-chips.
Chẳng hạn, PVD khớp 123,9 tỷ đồng, còn lớn hơn hầu hết cổ phiếu trong nhóm VN30. Các mã DXG, DPM, PVT, ITA giao dịch lớn hơn BID, NVL, SSI, VJC, BVH, VHM, TCB, HDB... tính theo giá trị. Thậm chí các mã này còn tăng giá kịch trần. Chỉ số VNMidcap đóng cửa hôm nay cũng tăng 0,97%, cao hơn VN-Index hay VN30-Index.
Tuy nhiên hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu dạng này cũng có thể là biểu hiện của một xu hướng cao trào. Khi xu hướng trở nên rõ ràng thì khả năng đi xa hơn lại giảm. DBC là một ví dụ rất điển hình khi số đông nhà đầu tư đều nhìn thấy giá thịt lợn tăng rất cao và giá DBC cũng lập kỷ lục trên thị trường về mức tăng gấp đôi chỉ trong gần một tháng qua. Từ mức 13.730 đồng ngày 23/3, DBC tăng lên 28.000 đồng ngày hôm qua và sáng nay còn tăng trần tiếp lên 29.950 đồng trước khi xuất hiện thanh khoản lớn chưa từng thấy. DBC có thanh khoản cực cao trong 7 phiên liên tục trước đó chứng tỏ thu hút chú ý của số rất lớn nhà đầu tư. Kết thúc phiên hôm nay DBC quay đầu giảm xuống tận giá sàn.
Trong nhóm blue-chips VN30, các cổ phiếu lớn đã suy yếu rõ hơn trong các mã trụ như VCB, VIC, BID, VHM, VNM nhưng vẫn còn SAB tăng kịch trần. Cổ phiếu này đỡ VN-Index rất nhiều nhưng có thể lại khiến nhà đầu tư lo lắng hơn vì nếu SAB quay đầu giảm kết hợp với các trụ lớn khác đã yếu sẵn thì VN-Index có thể chịu ảnh hưởng mạnh. Đây có thể là lý do khiến các hợp đồng phái sinh chỉ số đồng loạt giảm mạnh phiên này và gia tăng mức chiết khấu đối với VN30-Index hàng chục điểm (hai kỳ hạn gần nhất).
Hiện tượng tăng giá đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn được duy trì với rất nhiều mã kịch trần và giao dịch sôi động. Cơ hội lợi nhuận vẫn đang duy trì trong nhóm này trong khi blue-chips đã gặp sức ép nhiều hơn. Đến hôm nay chỉ còn 50% số cổ phiếu trong VN30 đạt lợi nhuận trên 1% sau T+3, khác hẳn với nhịp tăng đầu tiên khi nhóm này nổi lên dẫn dắt toàn bộ thị trường.
Dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục rút khỏi thị trường với quy mô lớn và chưa có dấu hiệu nào dừng lại. Cổ phiếu hai sàn phiên này bị bán ròng 380,8 tỷ đồng với VN30 bị bán ròng 180 tỷ đồng. Khối ngoại cũng xả rất lớn các mã không phải blue-chips lớn, như ITA, DPM, DBC, BFC, PVT...
Thanh khoản chung hôm nay giảm nhẹ một chút, đạt 5.887 tỷ đồng, chủ yếu do giảm giao dịch thỏa thuận. Riêng với giao dịch khớp lệnh giá trị lại tăng lên mức xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Như vậy tiền vẫn đang đổ vào thị trường ngày một nhiều hơn và đang tìm kiếm lợi nhuận nhanh hơn ở các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận