'Gỡ vướng' vụ thiếu đất làm dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm
Khánh Hòa sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang – Cam Lâm sau khi tỉnh này cầu cứu Trung ương.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) dài khoảng 50km cần khoảng 3,5 triệu m3 đất san lấp nhưng các mỏ được cấp phép tại Khánh Hòa không đủ cung ứng.
Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chuẩn bị khởi công nhưng đơn vị tư vấn cho biết sẽ thiếu nguồn vật liệu để san lấp nền cho dự án. Cụ thể, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm cần hơn 3,5 triệu m3 đất đắp nền đường.
Tuy nhiên, Bộ GTVT mới đây có văn bản cho biết, khảo sát trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà cho thấy trước mắt nguồn vật liệu xây dựng thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu, riêng đối với vật liệu đất đắp nền đường sẽ thiếu khoảng 2,48 triệu m3 (đất san lấp).
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, qua rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn có tổng cộng 21 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) còn hiệu lực, trong đó có 4 giấy phép khai thác đất san lấp, 2 giấy phép khai thác cát; 15 giấy phép khai thác đất, đá làm VLXDTT.
Hiện nay, các điểm mỏ đất mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác để phục vụ san lấp cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đều nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, để đủ điều kiện cấp phép theo quy định, các khu vực nằm ngoài quy hoạch khoáng sản phải được bổ sung quy hoạch khoáng sản của tỉnh Khánh Hòa.
Vì vậy, đối với tỉnh Khánh Hoà tiến độ cấp phép theo quy định không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế cung cấp cho dự án đường cao tốc đoạn Nha Trang – Cam Lâm.
Từ thực tế kể trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà – ông Nguyễn Tấn Tuân vừa ký văn bản đề nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội xem xét kiến nghị trình Quốc hội xem xét cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đắp nền cho dự án đường cao tốc. Cụ thể là cắt giảm thủ tục đấu giá, thủ tục thăm dò đối với các mỏ đất đắp có địa hình đơn giản, địa chất không phức tạp, cắt giảm thủ tục lập dự án đầu tư và cấp chứng nhận đầu tư hoặc quyết định về chủ trương đầu tư...
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị xem xét cho phép tỉnh Khánh Hòa áp dụng cơ chế đặc thù để được cấp phép khai thác đối với các khu vực nằm ngoài quy hoạch khai thác khoáng sản đã được phê duyệt, nhằm phục vụ dự án cao tốc.
Trước đề nghị của tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh thành có cao tốc Bắc – Nam đi qua, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
Cụ thể, UBND tỉnh, thành phố có dự án đường cao tốc đi qua được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn, chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định. Được phép nâng công suất không quá 50% ghi trong giấy phép đối với các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Theo tìm hiểu, dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn Nha Trang - Cam Lâm) do Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, có tổng vốn khoảng 5.524 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối tháng 6/2021. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thời gian xây dựng 2 năm, vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận