Gỡ vướng trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu
Ngày 31/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ ngành, các nhóm rà soát pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hội thảo rà soát pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ. Tại cuộc họp, các nhóm rà soát đã thông tin về kết quả rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu còn chồng chéo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7957/VPCP-KSTT ngày 5/9/2019; rà soát tiến độ, kết quả triển khai các nhiệm vụ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg để kiến nghị sửa đổi bổ sung; rà soát áp mã số HS đối với các danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Theo thống kê của Dự án Tạo thuận lợi thương mại, sau 3 ngày làm việc từ ngày 29-31/10, các nhóm đã rà soát được 469 văn bản; 236 danh mục với 59.275 mặt hàng; 1.767 mặt hàng không có HS. Trong quá trình rà soát, 5 mặt hàng được phát hiện còn chồng chéo theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn 7957/VPCP-KSTT; rà soát áp mã HS đối với 14 danh mục thuộc quản lý của 5 bộ, gồm Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đánh giá, các kết quả rà soát đã chỉ ra được một số mặt hàng đang có sự chồng chéo về quản lý của các bộ ngành. Các kết quả kiểm tra này còn nhận diện được các vấn đề bấp cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật, bất hợp lý trong các quy định của các bộ ngành. Để đạt hiệu quả cao hơn, bà Thảo kiến nghị, trong các kết quả rà soát, các nhóm rà soát nên bổ sung thêm phần kiến nghị rõ ràng để khi ngành hải quan gặp vướng mắc thì cần phải được xử lý như thế nào.
Theo ý kiến phản ánh về việc cần phải mã hóa các mặt hàng nhập khẩu thông dụng, các mặt hàng đặc thù thuộc về an ninh quốc gia của Bộ Quốc phòng đã được lãnh đạo Tổng cục Hải quan nêu ra. Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, thực tế có những khó khăn nhất định trong việc mô tả hàng hoá đối với các mặt hàng đặc thù, thậm chí có một số mặt hàng nếu áp mã số 8 sẽ rơi vào loại khác, tương lai sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu của Bộ Quốc phòng doanh nghiệp không được phép nhập khẩu, Bộ Quốc phòng muốn nhập khẩu phải báo cáo Thủ tướng. Các mặt hàng thuộc diện này luôn được thông quan đặc biệt và đến nay chưa phát hiện vướng mắc từ các doanh nghiệp, theo Thông tư của Bộ Quốc phòng liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của ngành hải quan, Bộ Quốc phòng có thể tập huấn cho nhân viên hải quan về nhận diện hàng hóa đối với các mặt hàng không thể áp mã như hàng hóa thông thường.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các chuyên gia và đại diện các bộ ngành đề xuất cần phân cấp về đầu mối xử lý để giảm thiểu sự chồng chéo, đặt hàng các chuyên gia nghiên cứu để trao đổi những quy định không phù hợp với thực tiễn trong luật, nghị định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khơi thông hàng hóa.
Quan điểm của đại diện các bộ ngành là giảm đầu mối kiểm tra đối với 1 mặt hàng, cần xem xét bộ ngành nào phù hợp nhất, đúng mục tiêu quản lý nhất để giao thực hiện. Chẳng hạn, mặt hàng dây và cáp điện đang do Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và công nghệ quản lý đều thuộc diện kiểm tra sau thông quan, có cùng mã, cùng tên, dẫn đến doanh nghiệp rất khó khăn khi thông quan. Vì thế Bộ Công Thương đã thống nhất đưa ra khỏi danh mục hàng hóa kiểm tra của bộ và giao lại cho Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Chủ trì buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - ông Mai Xuân Thành - đánh giá cao sự thẳng thắn của các bộ ngành trong việc đưa ra các phương án cụ thể đối với các mặt hàng đang có sự chồng chéo trong quản lý và đây là cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các mặt hàng đang bị quản lý chồng chéo, theo ông Thành, nếu đã thống nhất chuyển về một bộ quản lý thì không cần đợi các bộ phải sửa thông tư, các bộ đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng cho phép thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan hải quan biết để thực hiện nhằm đảm bảo tính kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận