24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gỡ “nút thắt” về thủ tục và nguồn vốn để sớm khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang được tỉnh Cao Bằng và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn và thủ tục để sớm triển khai.

Sáng 1/10, Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) có cuộc làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư) và các đơn vị liên quan về tiến độ kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hải Hoà, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã báo cáo khát quát tiến độ chuẩn bị dự án.

Cụ thể, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nhất trí chủ trương chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu lập dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng đã thành lập Ban chỉ đạo cho dự án này do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban chỉ đạo.

Về nguồn vốn và kế hoạch vốn cho dự án, ông Lê Hải Hoà cho hay, tỉnh Cao Bằng đã có văn bản giải trình, làm rõ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, quy mô đầu tư mới chiều dài khoảng 115km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, đầu tư từ nút giao thuộc khu vực của khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đến nút giao Quốc lộ 3, địa phận tỉnh Cao Bằng (khoảng 93km) và đường nối từ đường cao tốc vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km, với tổng mức đầu tư khoảng 12.546 tỷ đồng; trong đó dựa vào tình hình bố trí vốn ngân sách nhà nước sẽ phân ra nhiều phân đoạn để triển khai từng giai đoạn.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước là 5.000 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng (tương đương 20%); ngân sách địa phương 2.5000 tỷ đồng (tương đương 20%). Vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại 7.546 tỷ đồng, bao gồm: vốn chủ sở hữu 2.500 tỷ đồng (tương đương 20%); vốn vay thương mại là 5.046 tỷ đồng.

Đối với giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu mới đường cao tốc từ Km93 đến Km115, hoàn chỉnh một số đoạn của giai đoạn 1 đạt mặt đường đủ 4 làn xe cơ giới, với tổng mức đầu tư là 8.393 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước là 2.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại 5.893 tỷ đồng, bao gồm: vốn chủ sở hữu là 1.688 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 4.205 tỷ đồng.

“Để chuẩn bị nguồn vốn cho dự án, tỉnh Cao Bằng đã tập trung ra soát mọi nguồn lực đầu tư trong tỉnh từ nguồn đấu giá đất, nguồn tiết kiệm, nguồn vượt thu và các nguồn khác… không đầu tư dàn trải để ưu tiên tập trung cho việc đầu tư dự án này nhằm đảm bảo phần vốn tham gia của tỉnh Cao Bằng trong cơ cấu vốn đầu tư”, ông Lê Hải Hoà cho biết.

Theo báo cáo của ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, ngay sau khi được chấp thuận nghiên cứu lập dự án này, Công cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động triển khai một số công việc của giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.

Cụ thể đã phối hợp với các địa phương dọc tuyến quay video (flycam) hiện trạng. Thực hiện khảo sát địa hình, thuỷ văn hiện đã đạt 85%, địa chất tuyến và công trình đạt 65%. Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã hoàn thành việc khảo sát mỏ vật liệu xây dựng và bãi thải…

Về khó khăn, vướng mắc, ông Hồ Minh Hoàng cho hay, đến thời điểm này do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý và xác định được tổng vốn đầu tư cụ thể để nhà đầu tư cùng UBND tỉnh Cao Bằng làm việc với các ngân hang, tổ chức tài chính kêu gọi tham gia tài trợ vốn cho dự án.

Về kế hoạch triển khai cụ thể, ông Hồ Minh Hoàng thông tin, tiến độ dự án hiện nay bị ảnh hưởng rất lớn bởi tiến độ phê duyệt chủ đầu tư của dự án. Nhà đầu tư kỳ vọng, từ nay đến tháng 11/2019, Chính phủ phê duyệt đầu tư, tỉnh Cao Bằng thông qua báo cáo đầu kỳ dự án.

Tháng 12/2019, lấy ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về thiết kế cơ sở và thông qua báo cáo cuối kỳ dự án. Thời gian tiếp theo sẽ phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt đầu tư dự án (Quý I/2020), hoàn thiện việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Quý II/2020)…và dự kiến tháng 10/2020 khởi công dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng cũng chia sẻ thêm, hiện việc tư vấn cho dự án đã hoàn thành cơ bản hoàn thành, việc triển khai thi công ở một địa hình có đồi núi phức tạp, nên nhiều hạng mục công trình sẽ rất khó khăn, nên phải mời chuyên gia nước ngoài để tư vấn một só giải pháp về kết cấu cho dự án này.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Lại Xuân Môn cho rằng, nút thắt khó khăn nhất được nhìn nhận là tìm nguồn vốn cho dự án.

Về phía tỉnh Cao Bằng, đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tỉnh Cao Bằng cam kết sẽ đảm bảo nguồn ngân sách địa phương dành cho dự án. Tuy nhiên đối với nguồn ngân sách trung ương hiện đang khó khăn cần có sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng cho biết, để thúc đẩy triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh đã giao UBND tỉnh tiếp tục bám sát Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm hoàn thành thủ tục thẩm định nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia dự án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tỉnh uỷ sẽ tổ chức thường kỳ 3 tháng một lần họp Ban chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Bí thư Lại Xuân Môn cho rằng, để triển khai thực hiện dự án này tỉnh Cao Bằng đã xác định là rất khó khăn. Khó khăn xuất phát từ nhiều góc độ, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ cũng đang phải đầu tư nhiều dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, đây là dự án này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với tỉnh Cao Bằng vì vậy đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành ủng hộ Cao Bằng chia sẻ khó khăn trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Chỉ có hạ tầng giao thông phát triển mới có thể thu hút được các doanh nghiệp lên Cao Bằng đầu tư.

Đi vào vấn đề cụ thể, Bí thư Lại Xuân Môn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành. Trong đó, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính cần bám các Bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về vốn và thủ tục

Bí thư Lại Xuân Môn đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các địa phương thực hiện việc giải phóng mặt bằng cho dự án, để ngay sau khi khai thông vốn và thủ tục pháp lý là triển khai dự án được ngay. Yêu cầu các địa phương có hướng tuyến đi qua phải tập trung nguồn lực thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh nhất.

“Với khó khăn về nguồn vốn, các đơn vị ban ngành phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phân kỳ đầu tư cho dự án hiệu quả, đảm bảo vừa đầu tư hiệu quả cũng như tạo động lực cho triển khai toàn dự án”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả