menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Gỡ khó xử lý nợ xấu “tàu 67”

Nếu cả chủ tàu cũ và chủ mới đều được ngân sách hỗ trợ lãi vay, đồng thời các tàu dịch vụ hậu cần được phép hoạt động kinh doanh xăng dầu thì khả năng sẽ có thêm tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 được bán lại.

Hỗ trợ 100% lãi vay trong hạn

Mới đây, trong dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa vào các quy định cụ thể liên quan chính sách chuyển đổi chủ tàu đối với các tàu cá, tàu hậu cần đã vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67).

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ cấp bù toàn bộ lãi vay của chủ tàu cũ chưa trả nợ được đến thời điểm bàn giao để khuyến khích các chủ tàu chuyển nhượng lại các tàu cá đang bị vướng nợ xấu cho các chủ tàu mới có năng lực tài chính và khả năng khai thác hiệu quả hơn. Các chủ tàu mới, sau khi nhận chuyển nhượng tàu sẽ được chọn một trong hai phương án hỗ trợ từ ngân sách: hoặc là chọn nhận hỗ trợ 1 lần sau đầu tư hoặc nhận hỗ trợ cấp bù lãi suất theo quy định của Nghị định 67 trong suốt thời gian vay vốn.

Theo quan điểm của Bộ NN&PTNT, việc đề xuất ngân sách cấp bù toàn bộ khoản lãi vay trong hạn chưa trả được của chủ tàu cũ sẽ khuyến khích được các chủ tàu đẩy nhanh quá trình chuyển nhượng tàu cá cho chủ mới. Vì đến thời điểm hiện tại số lượng các tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 phải nằm bờ là khá lớn. Bên cạnh những tàu đã phát sinh nợ xấu thì nhiều chủ tàu cũng đã bắt đầu gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ không trả được nợ đúng hạn và phát sinh thêm nợ xấu tại các ngân hàng.

Hiện theo những quy định của Nghị định 67/2014 và Nghị định 17/2018 thì các chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu hậu cần đang được vay vốn với lãi suất 7%/năm. Tùy từng trường hợp, ngân sách sẽ cấp bù từ 4%-6% và các chủ tàu chỉ phải trả lãi cho ngân hàng từ 1-3%/năm.

Ghi nhận của NHNN cho thấy, tính từ thời điểm Nghị định 67 có hiệu lực đến ngày 31/12/2017 (tức là thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu) các ngân hàng đã cam kết cho vay trên 11.700 tỷ đồng với thời hạn vay từ 11-15 năm.

Đại diện một số chi nhánh NHTM tại Ninh Thuận và Cà Mau cho rằng loại trừ các trường hợp tàu cá, tàu hậu cần bị vướng nợ xấu (khoảng 38,8% tổng dư nợ, đến quý 2/2020) thì số tàu đang trả nợ đúng hạn cũng chiếm tỷ lệ khá lớn. Nếu các chủ tàu hiện nay gặp khó khăn về tài chính phải chuyển nhượng tàu cá cho chủ mới thì việc hỗ trợ thêm 1-3% lãi vay cũng sẽ khiến họ mạnh dạn bán tàu để tránh rơi vào nợ xấu.

Chủ tàu mới cần được hỗ trợ nhiều hơn

Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, trước khi Bộ NN&PTNT đề xuất chính sách hỗ trợ lãi vay khi chuyển chủ đổi tàu cá, thì từ năm 2018, NHNN và hệ thống NHTM cũng đã khá tích cực trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh từ Nghị định 67.

Theo đó, với việc ban hành Thông tư 12/2018/TT-NHNN, NHNN đã cho phép các NHTM thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu đối với trường hợp bên vay không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động.

Thống kê của các NHTM cho thấy, từ năm 2018 đến nay, căn cứ trên đề xuất của các địa phương, các ngân hàng đã chủ động hợp tác để thực hiện chuyển đổi chủ tàu cho 11 trường hợp tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tiền Giang và Kiên Giang với tổng dư nợ khoảng 60 tỷ đồng. Song song đó, các ngân hàng cũng ưu tiên trả nợ gốc trước trả lãi sau đối với gần 30 khách hàng với dư nợ trên 291,7 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 300 khách hàng với dư nợ khoảng 1.400 tỷ đồng.

Đồng tình với đề xuất ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho chủ tàu cũ khi thực hiện chuyển nhượng tàu cá, tuy nhiên ông Hoàng Lê Duy - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, để chính sách này thực sự có thể triển khai hiệu quả thì bên nhận chuyển nhượng tàu cá phải được hỗ trợ nhiều hơn.

Theo đó, cơ chế mua bán chuyển nhượng cần tạo thuận lợi cho người mua và chính sách hỗ trợ một lần cần phải được thực hiện nhanh chóng. Ngoài ra, điều quan trọng là Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm thống nhất cơ chế cho phép các tàu hậu cần nghề cá được phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu. “Khi cho phép kinh doanh xăng dầu thì các tàu hậu cần mới có thể ra khơi bán dầu, cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển hải sản về đất liền. Lúc đó chi phí của cả tàu đánh bắt và tàu hậu cần mới được tiết giảm, tạo ra lợi nhuận để trả nợ ngân hàng. Lúc đấy nếu chủ tàu gặp khó khăn, muốn bán tàu thì cũng mới có người mua”, ông Duy nhìn nhận

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả