Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp
Tại tọa đàm do The Leader tổ chức chiều 8/5, các diễn giả đã nhìn nhận về những khó khăn cũng như cơ hội của các doanh nghiệp có thể nắm bắt ngay từ sự dịch chuyển dòng vốn sau đại dịch.
Đón “cơ hội vàng” từ dòng vốn FDI
Tham dự buổi toạ đàm, Ông Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners nhìn nhận, trong bối cảnh các quốc gia ít tin nhau hơn sau đại dịch thì Việt Nam có một lợi thế là nhận được lòng tin từ nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này được thể hiện qua minh chứng về cách phòng chống dịch bệnh, minh chứng về niềm tin của người dân với chính phủ.
Một đặc tính của người Việt Nam mà cộng đồng thế giới rất thích là tính thích nghi. Đây chính là cơ hội của Việt Nam để cạnh tranh sòng phẳng. Thứ nhất là về yếu tố công nghệ, thứ hai là tri thức, ông Trường nói: "Đây cũng là lý do mà các công ty công nghệ như Unicorn có thể tăng trưởng vượt bậc và các công ty tỷ đô tiếp theo có thể xuất hiện ở Việt Nam”.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, sau đại dịch Covid-19, sẽ có sự chuyển dịch của 5 con rồng châu Á, đặc biệt là sự khởi động lại của thương chiến Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên cấu trúc lại đầu vào và đầu ra. Đầu ra nên mở rộng thêm thị trường, đồng thời cũng nên cơ cấu lại thị trường nhập khẩu để chuẩn bị đón nhận luồng chuyển dịch. Đây là cơ hội lớn, doanh nhân Việt Nam nên chuẩn bị, nên có tinh thần lạc quan để đón nhận luồng chuyển dịch này.
"Sau đại dịch Trung Quốc đang mất dần sự tin cậy của nhiều nước do bị nghi ngờ bưng bít thông tin về dịch bệnh" Nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni, ông Lâm Minh Chánh bổ sung thêm.
Khi đại dịch xảy ra các nước mới nhận ra phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là kinh tế sản xuất. Ngoại trưởng Mỹ vừa rồi có tuyên bố chọn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand Hàn Quốc và Việt Nam là các nền kinh tế thay thế cho Trung Quốc để thúc đẩy kinh tế sản xuất hàng hóa. Ông Chánh cũng cho rằng, trong quá khứ Việt Nam từng bỏ lỡ một số cơ hội nên nay là thời điểm cơ hội đến, Việt Nam nên mở cửa nhiều hơn.
Còn theo ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính ngân hàng, sự thay đổi chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc đã được nhắc đến từ vài năm gần đây. Một số doanh nghiệp Tây Âu, Nhật Bản cũng đã dịch chuyển sang Việt Nam. Đó là cơ hội vừa là thách thức. “Cơ hội là đón dòng vốn nhưng thách thức là nếu không có sự thay đổi gì thì họ đến rồi lại đi”, ông nói.
Theo ông Sơn cần phải xác định được ba vấn đề. Thứ nhất, môi trường đầu tư đã thực sự tạo ra sân chơi thật tốt, thật bình đẳng cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước hay chưa? Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên, nhân lực có đáp ứng được hay không.
Thứ hai, là chính sách về tỷ giá, về lãi suất phải được hoàn thiện để tạo được nền kinh tế chi phí thấp chứ không phải lãi suất cao.
Thứ ba, là năng suất lao động. Lương của công nhân Việt Nam đúng là có thấp hơn các nước khác nhưng nếu đem cả yếu tố năng suất vào thì chưa chắc đã thấp. Do đó, phải thúc đẩy năng suất lao động.
Ngoài ra, cần tăng cường công nghiệp phụ trợ để tăng hàm lượng nội địa nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn.
Làm sao huy động vốn trong thời điểm kinh doanh đình trệ?
Bàn về việc xoay xở nguồn vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup trong thời điểm khó khăn như hiện nay, câu chuyện "minh bạch" rất quan trọng. Nhất là đối với các doanh nhân trẻ phải minh bạch doanh số và thiết lập quan hệ với ngân hàng để lúc cần có thể vay vốn ngân hàng.
"Với gọi vốn cũng vậy, khi minh bạch về kinh doanh và doanh thu tốt thì nguồn vốn sẽ tự tìm đến thôi", ông Lâm Minh Chánh nói.
Còn đối với doanh nghiệp khi mà mọi sản xuất đình trệ rồi thì cần trả lời được câu hỏi vay vốn về làm gì, "không lẽ lại vay để tiêu dùng", theo ông Huỳnh Bửu Sơn, nếu tình huống như vậy thì không có ngân hàng nào cho vay hết, "vay nợ thì phải trả, do đó phải nhìn ra nguồn tạo ra tiền trả nợ, vậy thì mới vay".
Cũng theo ông Sơn, có rất nhiều nguồn vốn để tiếp cận, doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận những định chế tài chính lớn, còn doanh nghiệp nhỏ nên tìm các kênh huy động vốn nhỏ hơn. Tại Việt Nam, cơ chế tiếp cận các nguồn vốn ngoài ngân hàng (ngân hàng thương mại hỗ trợ lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa phát triển, nên tín dụng đen mới nở rộ.
Đề cập đến ngân hàng, Ông Đặng Văn Thành cho rằng, trong thời điểm này các ngân hàng phải dè dặt trong cho vay do lo ngại rủi ro cũng không có gì lạ, các doanh nghiệp nên sử dụng “quỹ lương khô”.
Còn làm thế nào để có nguồn “lương khô”, theo ông Trường, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp khi bán được nhiều hàng nên tích lũy một nguồn tiền dự phòng hoặc dùng tiền đó mua tài sản, đến khi cần có thể bán.
“Tại Việt Nam các doanh nhân coi startup như “đứa con tinh thần”, còn tại Thung lũng Silicon doanh nhân xem startup như một doanh nghiệp khởi sự nên nếu không hiệu quả thì có thể bỏ đi, bắt đầu làm lại”, ông Trường nói thêm.
Nói về đặc trưng của các startup Việt Nam, doanh nhân thường đổ rất nhiều tâm huyết, tiền bạc và cả tài chính cá nhân vào nên khi startup gặp khó khăn hoặc thất bại sẽ mất nhiều thời gian để dứt ra hơn, ông Chánh bình luận.
Tuy nhiên, theo ông Chánh, khi làm startup nên chấp nhận sẽ gặp thất bại và phải biết từ bỏ, cũng phải luôn hiểu rằng chỉ có một số doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc hoặc có kế hoạch tài chính bài bản, tách tài sản cá nhân khỏi tài sản doanh nghiệp, biết cách vận hành thì mới ổn được.
Ngoài ra, Việt Nam đang rất thiếu các nhà đầu tư thiên thần, họ là những người đi trước cả các nhà đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng bỏ vốn vào khi nhận thấy ý tưởng tốt. “Startup Việt đang thiếu cả vốn vay và vốn góp. Do đó, Nhà nước nên chăm cho những doanh nghiệp nhỏ từ bây giờ thì nền kinh tế mới phát triển được”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận