Gỡ khó cho đơn vị vận hành cảng biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài, nhiều doanh nghiệp sản xuất tạm ngừng hoạt động dẫn đến tình trạng số container hàng tồn tại cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) tăng cao, ảnh hưởng đến việc vận hành, tiếp nhận hàng hóa ra vào cảng.
Trước tình thế đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị vận hành cảng và doanh nghiệp xuất nhâp khẩu.
Số container tồn cảng tăng cao
Theo thông tin từ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đơn vị này đã cùng cơ quan hải quan chủ động triển khai ngay các phương án điều hành sản xuất linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng chống dịch của địa phương triển khai các phương án phòng chống dịch.
Theo đó, thực hiện kế hoạch tiêm vaccine trên diện rộng cho người lao động, công nhân, công chức hải quan, hãng tàu làm việc thường xuyên tại cảng. Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh tại 2 cảng biển trên địa bàn là cảng Cát Lái và Hiệp Phước vẫn đảm bảo thông suốt, an toàn.
Sau 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.
Bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất tải, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn chạm ngưỡng tối đa công suất. Cụ thể, đến hiện tại, tổng lượng container tồn tại cảng Cát Lái là 106.717 container 20 feet (bình quân trọng lượng khoảng 15 tấn), chiếm 86% dung lượng bãi; trong đó, số container hàng nhập tồn là 50.872 container, chiếm 95% dung lượng thiết kế của cảng, đặc biệt có 6.544 container hàng tồn trên 90 ngày. Đối với hàng xuất, số container đang lưu tại cảng là 30.000 container, chiếm 76% dung lượng thiết kế.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, nguyên nhân khiến lượng container tồn cảng tăng nhanh là do nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do bị phong tỏa hoặc do không đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, “2 địa điểm, 1 cung đường” theo yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương nên doanh nghiệp chậm nhận hàng.
Dự kiến 2 tuần tới, tổng tồn bãi tại Cảng Cát Lái sẽ tăng thêm khoảng 5% lên mức 115.000 container, chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế; trong đó, sản lượng hàng nhập tồn sẽ lên mức 53.500 container, chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập của cảng. Lượng hàng xuất sẽ vẫn duy trì tồn như hiện nay chiếm 76% dung lượng thiết kế.
Theo đại điện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển, tồn bãi tăng cao như hiện nay thì nguy cơ cảng Cát Lái phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng lượng hàng trên bãi, khả năng phải gián đoạn hoạt động là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đề xuất tháo gỡ cho cảng và doanh nghiệp
Ngay sau khi nhận thông tin từ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Tổng cục Hải quan và đề xuất hàng hóa nhập khẩu có cảng đích là Cát Lái đề được vận chuyển về các địa điểm thông quan trung gian trước khi làm thủ tục thông quan, được thực hiện bằng hình thức vận chuyển độc lập hoặc bằng biên bản bàn giao giấy giữa các Cục hải quan.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện có một số vướng mắc khách quan. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC có quy định các trường hợp mở tờ khai vận chuyển kết hợp và trường hợp mở tờ khai vận chuyển độc lập.
Do vậy, các địa điểm thông quan trung gian không thể hiện trên vận đơn nên không có cơ sở để vận chuyển hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan từ cảng Cát Lái về các địa điểm trung gian theo đề nghị của doanh nghiệp.
Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về việc không điều chỉnh vận đơn trong trường hợp hàng hóa chưa mở tờ khai, chưa thông quan về các địa điểm trung gian không có thông tin trên vận đơn lại không phù hợp với quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Thêm vào đó, doanh nghiệp kiến nghị sử dụng biên bản bàn giao giấy để chuyển hàng hóa về các địa điểm trung gian sẽ làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan hải quan phải niêm phong hải quan, tăng thủ tục hồ sơ giấy. Đồng thời, gây khó khăn cho việc kiểm soát chống buôn lậu và phát sinh nhiều vướng mắc về quy trình sẽ đi ngược với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Để tháo gỡ khó khăn cho cả đơn vị vận hành cảng Cát Lái và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày từ cảng Cát Lái về cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục, để giảm tải cho cảng Cát Lái.
Cùng đó, kiến nghị cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thuê các cảng thuộc địa bàn của TP Hồ Chí Minh (cảng SP-ITC, cảng Vict, cảng Lotus, cảng Tân Thuận...) để lưu giữ hàng hóa nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời gian dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp.
Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được lưu giữ tạm thời hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng là Cảng Cái Mép để chờ làm thủ tục vận chuyển độc lập về cảng đích mà không xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai.
Về phía Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, tiếp tục quán triệt tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức thực hiện thủ tục hải quan 24/7 tại cảng Cát Lái, bảo đảm hàng hoá được làm thủ tục thông quan cả ngày lẫn đêm.
Trước mắt, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục, đảm bảo tuân thủ việc phòng chống dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận