Giữa thương chiến, Ấn Độ lên kế hoạch thu hút nhà sản xuất nước ngoài
Ấn Độ đang lên kế hoạch cung cấp chính sách ưu đãi cho 324 công ty, bao gồm cả Tesla và GlaxoSmithKline Plc, để họ xây dựng nhà máy ở quốc gia này nhằm mục đích tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, dựa trên nguồn tin từ Bloomberg.
Chính phủ Ấn Độ đề xuất cung cấp đất cho các nhà sản xuất để xây dựng nhà máy cùng với khả năng tiếp cận điện, nước và đường, theo văn bản phác thảo do Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa và Đầu tư Ấn độ chuẩn bị. Các công ty khác mà quan chức Ấn Độ đang nhắm tới bao gồm Eli Lilly & Co., Hanwha Chemical Corp.của Hàn quốc và Hon Hai Precision Industry Co.của Đài Loan.
Cuộc chiến thương mại tạo lợi ích cho các quốc gia như Malaysia, nhưng các quy định thu hồi đất và luật lao động cứng nhắc đã thôi thúc nhà đầu tư bỏ qua Ấn Độ khi tìm kiếm phương án thay thế cho Trung Quốc. Đề xuất mới nhất có thể giảm bớt các rào cản quan liêu và đặt Ấn Độ trên con đường tăng gấp đôi GDP lên 5 ngàn tỉ USD vào năm 2025 – một mục tiêu do Thủ tướng Narendra Modi đề ra. Trong quý trước, kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm trở lại đây.
“Trong làn sóng di cư ban đầu, chúng tôi thấy các công ty chuyển sang Việt Nam, nhưng tôi không nghĩ là đã quá trễ để Ấn Độ đưa ra các nỗ lực thu hút các công ty”, Sonal Varma, Chuyên gia kinh tế trưởng về Ấn Độ và châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Nomura Holdings ở Singapore, cho hay. “Ấn Độ cung cấp lợi thế độc đáo của một thị trường nội địa khổng lồ, vì vậy đây chắc chắn là một cơ hội để Chính phủ thu hút đầu tư”.
Theo kế hoạch này, Chính phủ sẽ tạo ngân hàng đất đai (land bank) để sẵn sàng chào đón các công ty công nghiệp chuyển vào, cung cấp ưu đãi về đầu tư và địa điểm, đồng thời hợp lý hóa thuế chống bán phá giá. Đề xuất này còn bao gồm chính sách ưu đãi cho xe lai và xe điện có phích cắm sạc, hiệu quả nhiên liệu và thuế carbon.
Năm quốc gia đang phát triển có tiềm năng sản xuất
Quốc gia này đang tiến triển tốt đẹp, tăng 37 bậc kể từ năm 2017 trong bảng xếp hạng về điều kiện kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng vẫn còn đứng ở vị trí 63, không chỉ sau Trung Quốc mà còn sau Rwanda và Kosovo. Hiện tại, nhà đầu tư có mong muốn xây dựng nhà máy cần phải tự mua đất, trong một số trường hợp phải đi theo quy trình đàm phán kéo dài và mất thời gian với những người sở hữu các khu đất nhỏ.
Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ đang cân nhắc đề xuất này và quyết định sẽ sớm được đưa ra. Phát ngôn viên của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chưa phản hồi về thông tin trên.
Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này tăng trưởng 5% trong quý kết thúc vào tháng 6/2019, trong đó hàng loạt dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế đang suy yếu.
Việc thu hút dòng đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu do đó được ưu tiên trong chương trình nghị sự kinh tế của Chính phủ Ấn Độ. Trước đó, họ đã giảm thuế doanh nghiệp để cạnh tranh với phần còn lại của châu Á và nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài để thu hút dòng vốn chảy vào quốc gia.
“Không một nền kinh tế nào có đủ điều kiện để mang ‘đôi giày’ của Trung Quốc”, Chang Shu và Justin Jimenez viết trong báo cáo của Bloomberg Economics. “Nhiều quốc gia có lợi thế chi phí thấp. Ngoại trừ Ấn độ, tất cả quốc gia khác đều không thể sánh với quy mô của Trung Quốc. Và mọi quốc gia đều đang đối mặt với thách thức về các khía cạnh khác của khả năng cạnh tranh”.
Các nỗ lực của Ấn Độ trong việc theo đuổi khả năng sản xuất của Trung Quốc đã bắt đầu từ 5 năm trước với sáng kiến “Sản xuất ở Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi. Trong sáng kiến này, ông đưa ra ưu đãi cho các công ty nước ngoài để xây dựng nhà máy tại Ấn Độ.
Ấn Độ gần vượt mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và số người trong độ tuổi lao động dự kiến vượt ngưỡng 1 tỷ người vào năm 2050. Thế nhưng, lợi thế về nguồn lao động giá rẻ đã bị lấn át bởi những yếu tố khác, như chưa đủ cơ sở hạ tầng, quy định đất đai và lao động lỗi thời và nạn quan liêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận