Giới đầu tư xả mạnh các cổ phiếu chip
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Tư (17/7), khi cổ phiếu bán dẫn lao dốc trước sự leo thang tiềm năng của xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Một báo cáo cho thấy chính quyền Biden đang xem xét đưa thêm các biện pháp hạn chế thương mại mới đối với Trung Quốc, khiến nhóm cổ phiếu liên quan đến chip lao dốc và đẩy chỉ số bán dẫn Philadelphia SE giảm 6,8%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhóm cổ phiếu "Magnificent 7", dẫn đầu là Nvidia giảm 6,6% và Apple mất 2,5% và là tác nhân chính kéo lùi Nasdaq và S&P 500.
Trong khi đó, Dow Jones giữ được đà tăng và ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp, nhờ các bluechip như Johnson & Johnson tăng 3,7%, Tập đoàn UnitedHealth tăng 4,5% và Intel tăng nhẹ 0,4%.
Trong khi đó, chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000, vốn đã tăng tới 11,5% trong năm phiên trước và xác lập mức đỉnh lịch sử mới cũng đã có phiên điều chỉnh nhẹ khi để mất hơn 1%.
Báo hiệu sự lo lắng ngày càng tăng của nhà đầu tư, chỉ số biến động thị trường CBOE (VIX) đã có thời điểm đạt mức cao nhất trong 6 tuần.
Kết thúc phiên 17/7: Chỉ số Dow Jones tăng 243,60 điểm (+0,59%), lên 41.198,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,93 điểm (-1,39%), xuống 5.588,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 512,42 điểm (-2,77%), xuống 17.996,92 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm phiên thứ ba liên tiếp, với cổ phiếu chip trượt dốc khi các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với căng thẳng thương mại tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi trọng tâm hiện đang chuyển sang quyết định về lãi suất sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,45% xuống 514,83 điểm, chạm mức thấp nhất trong một tuần với chỉ số phụ công nghệ để mất 4,5%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2022.
Trong đó, cổ phiếu của công ty Hà Lan ASML, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, giảm gần 11%, mức giảm lớn nhất trong hơn bốn năm, do lo ngại rằng áp lực của chính phủ Mỹ có thể dẫn đến những hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bloomberg News đưa tin dù bị đồng minh phản đối, nhưng Mỹ vẫn đang tiếp tục có những động thái xem xét bổ sung các hạn chế thương mại mới, cứng rắn hơn nếu các công ty tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận các công nghệ bán dẫn tiên tiến.
Các cổ phiếu bán dẫn khác cũng mất điểm, với ASM International NV và BE Semiconductor đều giảm hơn 7% mỗi cổ phiếu.
Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường trưởng tại IG Group, cho rằng sự sụt giảm của cổ phiếu chip là do ba nguyên nhân chính, bao gồm: tăng trưởng và nhu cầu của Trung Quốc suy giảm, tình hình căng thẳng địa chính trị tiềm tàng và thực tế là những cổ phiếu này đã tăng quá nhanh trong khoảng thời gian rất ngắn".
Kết thúc phiên 17/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 22,56 điểm (+0,26%), lên 8.187,46 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 80,73 điểm (-0,44%), xuống 18.437,30 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 9,22 điểm (-0,12%), xuống 7.570,81 điểm.
Giá dầu thô có phiên hồi phục mạnh, được thúc đẩy bởi lượng tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến và sự yếu của đồng USD.
Kết thúc phiên 17/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 2,09 USD (+2,6%), lên 82,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,35 USD (+1,6%), lên 85,08 USD/thùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận