Giới đầu tư ‘say’ cổ phiếu ngành rượu Trung Quốc
Cổ phiếu của Kweichow Moutai (Quý Châu Mao Đài) và Wuliangye Yibin (Ngũ Lương Dịch Nghi Tân), hai nhà sản xuất bạch tửu (rượu trắng) hàng đầu Trung Quốc tăng giá nóng trong năm nay nhờ nhu cầu ngày càng cao của giới trung lưu Trung Quốc đối với những loại đồ uống thượng hạng.
Nhà sản xuất rượu Mao Đài được định giá cao hơn Coca-Cola
Cơn tăng giá chóng mặt trong năm nay giúp các nhà sản xuất rượu hàng đầu Trung Quốc củng cố vị thế trong hàng ngũ những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới. Cổ phiếu của Kweichow Moutai, nhà sản xuất rượu Mao Đài trứ danh của Trung Quốc, tăng giá 56% trong năm nay, giúp công ty đạt giá trị vốn hóa 354 tỉ đô la Mỹ hôm 21-12.
Điều này có nghĩa là công ty rượu nhà nước khổng lồ này không chỉ được định giá cao hơn các đối thủ sản xuất đồ uống có cồn ở phương Tây như Diageo (Anh) hay Anheuser-Busch (Mỹ) mà còn cao hơn cả hãng giải khát Coca-Cola, hãng sản xuất hàng xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton và hãng xe Toyota.
Cổ phiếu của Wuliangye Yibin, đối thủ của Kweichow Moutai, tăng giá gấp đôi trong năm nay và đang có mức vốn hóa thị trường 167 tỉ đô la. Một chỉ số theo dõi cổ phiếu 36 công ty đồ uống ở Sàn chứng khoán Thượng Hải và Sàn chứng khoán Thâm Quyến tăng 86,7% trong năm nay, so với mức tăng 23% của chỉ số CSI 300 (theo dõi biến động giá cổ phiếu của 300 công ty tiêu biểu trên các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến).
Các công ty giá trị nhất trong chỉ số này chủ yếu là các nhà sản xuất bạch tửu, một loại rượu được sản xuất từ cao lương lên men hoặc các ngũ cốc khác. Rượu Mao Đài của Kweichow Moutai có mùi thơm đặc trưng tương tự như mùi nước tương. Các sản phẩm của Kweichow Moutai thường được phục vụ trong các buổi tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, khiến chúng trở thành một biểu tượng của sản vật quốc gia.
Giới đầu tư và phân tích nhận định cơn tăng giá nóng của cổ phiếu ngành rượu là nhờ đà phục hồi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân Trung Quốc đối với các đồ uống đắt đỏ và một số sáng kiến thông minh của doanh nghiệp ngành rượu. “Ngành rượu đang bay cao nhờ sức chi tiêu mạnh mẽ của giới trung lưu”, Allen Cheng, nhà phân tích cổ phần ở chi nhánh Công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ) ở Singapore, nói.
Lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 giáng đòn nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc hồi quí 1 nhưng đà phục hồi nhanh chóng sau đó giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm nay. Đến quí 3, thu nhập khả dụng của người dân Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại, với mức tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Eva Wang, nhà phân tích ở Công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management, nhận định người tiêu dùng Trung Quốc thích mua sắm những sản phẩm cao cấp khi thu nhập của họ tăng. Xu hướng này giúp các công ty dẫn đầu thị trường trong ngành rượu Trung Quốc nói riêng và hàng hóa tiêu dùng nói chung được hưởng lợi.
Triển vọng tăng trưởng tốt nhờ cải tổ kinh doanh
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Kweichow Moutai và Wuliangye Yibin nhanh hơn các đối thủ, giúp họ thâu tóm thêm thị phần. Trong cuộc khảo sát của FactSet, giới phân tích dự báo lợi nhuận của Kweichow Moutai sẽ tăng trưởng 13% trong năm nay và con số này ở Wuliangye Yibin là 17%.
Hai công ty này cũng đã tiến hành cải tổ lớn ở một số bộ phận trong hệ thống kinh doanh của họ. Kweichow Moutai giảm sự phụ thuộc vào các nhà phân phối truyền thống bằng cách đẩy mạnh bán sản phẩm qua kênh trực tuyến, cho phép công ty tăng biên lợi nhuận mà không làm suy yếu nhu cầu.
Nhà phân tích Allen Cheng cho biết Kweichow Moutai chật vật giảm phụ thuộc vào mối quan hệ dài hạn với các nhà phân phối vào năm ngoái nhưng đại dịch Covid-19 giúp nỗ lực này được tiến hành nhanh hơn.
Trong khi đó, Wuliangye Yibin tập trung đầu tư phát triển thương hiệu. Công ty này cũng đón nhận sự chuyển đổi số, chẳng hạn sử dụng mã QR (mã phản hồi nhanh) để theo dõi doanh số và quản lý hàng tồn kho. Các nhà phân tích cho rằng các sáng kiến này giúp công ty vận hành hiệu quả hơn và phản ứng nhanh nhạy hơn trước nhu cầu của người tiêu dùng.
Shen Zhifeng, nhà phân tích ở chi nhánh Ngân hàng UOB Kay Hian tại Thượng Hải, cho biết những thay đổi trên hứa hẹn mang lại triển vọng kinh doanh tốt cho hai nhà sản xuất bạch tửu hàng đầu Trung Quốc trong năm 2021.
Tuy nhiên, mức định giá cổ phiếu của các công ty rượu hàng đầu Trung Quốc đang ở mức khá cao. Chỉ số P/E (thị giá trên lợi nhuận) của cổ phiếu Kweichow Moutai và Wuliangye Yibin đang lần lượt là 42 và 43, mức cao trong lịch sử. Trong năm năm qua, chỉ số P/E trung bình của hai cổ phiếu chỉ trên 20.
Một số nhà phân tích cho rằng có những lý do khác để thận trọng về triển vọng tăng trưởng của ngành rượu Trung Quốc. Nhà phân tích Euan McLeish ở Công ty Sanford C. Bernstein, cho rằng đợt phát động chống tham nhũng mới dường như đang diễn ra ở Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2012-2013, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này lên cao trào, khiến cổ phiếu Kweichow Moutai giảm giá mạnh vì các sản phẩm rượu Mao Đài hảo hạng của công này là thức uống phổ biến trong các bữa tiệc của cơ quan nhà nước và cũng là món quà sang trọng để biếu các quan chức.
Hồi tháng 7, tài khoản mạng xã hội của tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài cảnh báo người dân không nên mua rượu Mao Đài để đầu cơ hoặc làm quà hối lộ, khiến cổ phiếu Kweichow Moutai bị bán tháo. McLeish cũng lo ngại về quản trị doanh nghiệp của Kweichow Moutai vì công ty này có mục tiêu và chiến lược kinh doanh không rõ ràng bằng Wuliangye Yibin. Kweichow Moutai là công ty thuộc quyền kiểm soát Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước tỉnh Quý Châu.
Các nhà đầu tư tổ chức của nước ngoài rất yêu thích cổ phiếu ngành rượu Trung Quốc. Tính đến tháng 9, cổ phiếu của Kweichow Moutai là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của Quỹ New World Fund thuộc Công ty quản lý đầu tư Capital Group (Mỹ). Lượng cổ phần mà New World Fund nắm giữ ở nhà sản xuất rượu Mao Đài số một Trung Quốc hiện nay đạt giá trị gần 627 triệu đô la Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận