Giới đầu tư đánh giá lại các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sau lệnh cấm của Mỹ
Nhà đầu tư chứng khoán Zhu Haifeng đã giảm một nửa số cổ phiếu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc là Tencent và Alibaba mà ông nắm giữ sau khi Mỹ thông báo trừng phạt một số doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhà đầu tư chứng khoán Zhu Haifeng đã giảm một nửa số cổ phiếu các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc là Tencent và Alibaba mà ông nắm giữ sau khi cuối tuần qua Mỹ thông báo trừng phạt một số doanh nghiệp Trung Quốc - sự leo thang căng thẳng mới nhất giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Động thái trên được đưa ra sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh cấm người Mỹ giao dịch với Tencent, tập đoàn sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, và ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, do những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Tencent hiện chỉ chiếm 10% danh mục đầu tư của ông Zhu, trong khi con số này lúc đỉnh điểm trong 5 năm kể từ lúc ông đầu tư vào tập đoàn này là 40%.
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hiện chiếm 5% danh mục đầu tư của nhà đầu tư này.
Ông đã nghĩ đến một Tencent tầm cỡ toàn cầu, một Alibaba cũng như vậy, nhưng hiện chỉ có thể nghĩ đến tầm Đông Nam Á. Ông nói giá trị của các tập đoàn cần giảm đi 1/3.
Cũng như các nhà đầu tư khác, ông Zhu lo ngại việc Mỹ cấm các công ty công nghệ Trung Quốc có thể hạn chế tiềm năng phát triển của các công ty này.
Lo ngại này đã khiến giá cổ phiếu của Tencent và Alibaba giảm 5% trong phiên cuối tuần trước, dù vẫn tăng tương ứng 39% và 17% kể từ đầu năm đến thời điểm chốt phiên này.
Theo sắc lệnh hành pháp mà ông Trump đã ký, bất kỳ giao dịch nào liên quan đến WeChat và TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ.
Chính phủ nước này tuần trước cũng thông báo tiếp tục thực hiện sáng kiến "Mạng lưới sạch" nhằm ngăn chặn các ứng dụng và các công ty công nghệ của Trung Quốc tiếp cận với các thông tin nhạy cảm về công dân và các doanh nghiệp Mỹ, nhắm đến các doanh nghiệp lớn như Tencent, Alibaba và Huawei.
Công ty môi giới chứng khoán CLSA cho rằng việc giá cổ phiếu của Tencent và Alibaba giảm là cơ hội để mua vào, với nhận định lệnh cấm của Mỹ chỉ có tác động nhỏ do Mỹ chiếm chưa đến 3% doanh thu của mỗi công ty.
Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng lệnh cấm sẽ có tác động tiêu cực đến các công ty cung cấp trò chơi của Trung Quốc nếu Mỹ mở rộng lệnh cấm đối với nhiều công ty hơn hay cấm các công ty công nghệ của Trung Quốc đầu tư tại Mỹ.
Theo ngân hàng này, toàn cầu hóa là một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của các cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc, khi tăng trưởng người dùng giảm và sự cạnh tranh tại Trung Quốc gia tăng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận