Giới đầu tư chứng khoán bấn loạn vì Covid-19
Giới đầu tư đang quay cuồng trước sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán, không chỉ là phiên lao dốc sáng nay của chứng khoán Việt Nam mà tình trạng này cũng diễn ra trên toàn cầu. Mọi thứ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và không ai biết được câu trả lời.
“Khi chứng kiến thị trường tăng 4-5%, rồi giảm 2-3% chỉ trong 1 ngày, điều này có nghĩa chúng ta chẳng thể dự đoán trước điều gì”, Kathryn Kaminski - chuyên gia tại AlphaSimplex Group chia sẻ.
Mọi chỉ báo đều đưa ra kết quả duy nhất, thị trường chứng khoán đang trong trạng thái hỗn loạn ở mức độ chưa từng có trước đây.
Chỉ số đo lường biến động thị trường -VIX (Cboe Volatility Index) đã duy trì ở mức trên 30 điểm trong 6 phiên liên tiếp, quãng thời gian dài nhất kể từ năm 2011. Trong khi chỉ số tương tự tập trung vào các thị trường mới nổi cũng ở gần mức kỷ lục, dựa trên các số liệu từ năm 2011 tới nay.
Trong 9 phiên giao dịch vừa qua, 3 phiên thị trường chứng kiến chỉ số S&P 500 lên/xuống khoảng 4% và 3 phiên khác lao dốc thẳng 3%. Đây là lý do biên độ dao dộng của chỉ số này trong 8 phiên vừa qua ở mức rộng nhất kể từ năm 2011, theo số liệu của Bloomberg.
Mua vào khi thị trường xuống đáy? Câu hỏi này vẫn được đặt ra và nhận về những câu trả lời đầy nghi ngại.
“Ở thời điểm này, khó để nói nên làm cái gì. Cho tới khi chúng ta có tầm nhìn rõ ràng hơn, việc chỉ dựa vào một số câu chuyện để đưa ra quyết định đầu tư đều là quá vội vàng”, Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance nói.
Cùng quan điểm, Citigroup Inc cho rằng, sẽ không không ngoan khi làm bất kỳ điều gì trước khi các số liệu mới về virus Covid-19 được công bố.
“Chúng tôi thừa nhận rằng không thể nắm bắt được trọn vẹn dòng chảy của thị trường hiện tại”, nhóm nhà kinh tế dẫn đầu bởi Tobias Levkovich tại Citigroup cho biết.
Trong khi đó, Deutsche Group đưa ra báo cáo đánh giá, khi tính chất bất ổn gia tăng ở mức rất cao, cần trung bình 6-7 tuần để thị trường bình ổn trở lại và S&P 500 cần ít nhất 4-5 tháng nữa để phần nào lấy lại những gì đã mất.
Tuy nhiên, sự bất ổn cao khiến Deutsche Group đưa ra hàng loạt kịch bản, trong đó trường hợp xấu nhất là S&P 500 sẽ giảm 30% kể từ mức đỉnh gần nhất.
Đáng chú ý, nhiều tổ chức lớn tỏ ra lo ngại khi cho rằng, các thành viên thị trường vẫn chưa sẵn sàng với những tình huống xấu hơn do dịch bệnh gây ra và giai đoạn hỗn loạn mới chỉ bắt đầu.
Mike Riddell, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allianz Global Investor, hiện đang quản lý khối tài sản 4,7 tỷ USD cho rằng: “Tốc độ biến động của thị trường là rất gay gắt, song nó mới chỉ phản ánh môi trường đầu tư từ ít rủi ro sang có những rủi ro bất thường. Đó là lý do tôi cho rằng, thị trường sẽ còn biến động hơn nữa.
Chưa kể, khi các số liệu toàn cầu được công bố trong vài tuần tới, nhà đầu tư sẽ nhận ra rằng, các ngân hàng trung ương không thể ‘chữa lành’ tác động từ dịch bệnh. Khi đó, không chỉ chứng khoán, mà tiền tệ và trái phiếu doanh nghiệp đều sẽ có sự điều chỉnh”.
Strategic Bond Fund, một trong những quỹ đầu tư mà Mike Riddell quản lý đang có màn biểu diễn vượt trội so với các quỹ khác khi đạt mức tăng trưởng tài sản trên 98% trong những tháng qua.
Vậy nhưng nhà quản lý quỹ này cho biết, cần phải chuẩn bị sẵn sàng hơn nữa cho những biến động thị trường trong vài tháng tới, khi mà biến động vừa qua mới chỉ ở mức độ nhẹ nhàng.
“Mọi chuyện rõ ràng là rất bất ổn. Tất cả chúng ta đều không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Có thể mất 4, 6, 8 tuần nữa để có thông tin nào đó hữu ích trong việc xác định tình hình dịch bệnh và tác động thực sự tới nền kinh tế”, Michael Shaoul, CEO Marketfield Asset Management LLC chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận