Giới chức Mỹ bác nguy cơ kinh tế suy thoái
Ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho rằng có rất ít nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới phải trải qua một cuộc suy thoái.
Bất chấp một tuần đầy biến động trên thị trường trái phiếu toàn cầu, ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho rằng có rất ít nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới phải trải qua một cuộc suy thoái, đồng thời khẳng định cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không gây thiệt hại cho Mỹ.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump nêu rõ chính phủ đang làm tốt vai trò của mình và chi tiêu của người tiêu dùng gia tăng do được giảm nhiều thuế. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng tỏ ra kém lạc quan hơn so với các cố vấn về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Trump nhấn mạnh Trung Quốc đã sẵn sàng ký một thỏa thuận nhưng ông "vẫn chưa sẵn sàng". Ông gợi ý rằng Nhà Trắng muốn Bắc Kinh sớm ổn định tình hình ở Hong Kong.
Trong khi đó, phát biểu trên chương trình "Fox News Sunday", Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết các quan chức thương mại hai nước sẽ thảo luận trong vòng 10 ngày và một khi các cuộc trao đổi này kết thúc, đại diện Trung Quốc có thể sẽ tới Mỹ để tiến hành đàm phán về việc chấm dứt căng thẳng thương mại đang nổi lên như một nguy cơ tiềm tàng đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dù các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung hiện bị đình trệ và với mối đe dọa áp thêm thuế cùng các hạn chế thương mại bao phủ nền kinh tế toàn cầu, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kudlow cho rằng nền kinh tế Mỹ "vẫn duy trì phong độ khá tốt" và "không có dấu hiệu suy thoái". Ông nêu rõ: "Người tiêu dùng đang làm việc. Lương của họ đang tăng. Họ chi tiêu và có cả tiền tiết kiệm".
Những phát biểu của Tổng thống Trump và Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kudlow được đưa ra sau môt tuần đầy biến động với những quan ngại về khả năng suy thoái của Mỹ đã tác động tới thị trường tài chính cũng như đặt các quan chức chính quyền vào thế bất an về việc liệu nền kinh tế có trụ vững qua chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 hay không.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã đi xuống do những lo ngại về viễn cảnh kinh tế suy thoái với 3 chỉ số chủ lực trên thị trường Phố Wall đồng loạt giảm sâu 3% trong phiên giao dịch ngày 14/8.
Sang đến phiên giao dịch 15/8, hai trong ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Phố Wall đảo chiều đi lên, sau khi số liệu tích cực về lĩnh vực bán lẻ và kết quả kinh doanh của Walmart củng cố lòng tin về hoạt động tiêu dùng tại Mỹ.
Sau các phiên giao dịch giằng co trong tuần, các chỉ số có sự khởi sắc trong phiên 16/8 do những dự đoán về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể hạ lãi suất.
Một điểm đáng chú ý là trong tuần qua, có thời điểm các nhà đầu tư trái phiếu đã yêu cầu lãi suất cao hơn đối với trái phiếu kỳ hạn 2 năm so với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, một dấu hiệu cho thấy sự mất lòng tin đối với tăng trưởng kinh tế ngắn hạn. Thông thường lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm thường cao hơn kỳ hạn 2 năm.
Việc lãi suất trái phiếu ngắn hạn vượt mặt dài hạn dẫn tới đường cong lãi suất bị đảo ngược, một chỉ báo quan trọng về suy thoái. Tuy nhiên, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã phủ nhận ý kiến cho rằng sự biến động thị trường hồi tuần trước là một dấu hiệu cảnh báo, khẳng định diễn biến kinh tế "tích cực" đang khuyến khích các nhà đầu tư huy động tiền đến Mỹ.
Hiện nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng và tạo thêm việc làm mỗi tháng. Doanh số bán lẻ trong tháng 7 vừa qua đã tăng mạnh hơn dự kiến ở mức 0,7%. Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kudlow cho rằng điều này cho thấy trụ cột chính của nền kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất đã giảm và đầu tư doanh nghiệp cũng đang có xu hướng đình trệ. Sự giảm tốc này có thể là tin tức không mấy tốt lành đối với Tổng thống Trump vì ông luôn xem "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ như một quân bài lớn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận