Giày bata Thượng Đình vang danh một thời nay chật vật, lép vế trước Nike, Adidas
Từng là thương hiệu “làm mưa làm gió“ một thời, nay giày Thượng Đình thua lỗ 4 năm liền và lép vế trước làn sóng thương hiệu giày ngoại đổ bộ vào Việt Nam.
Nhà ở trong khu tập thể Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), trước đây mỗi khi cần sắm giày dép cho các con, anh Vũ Minh Mỹ (48 tuổi) thường tới cửa hàng giày Thượng Đình trên đường Nguyễn Trãi.
Thế nhưng, anh Mỹ cho biết: "Thói quen đó đã bỏ từ lâu, giờ con tôi đi giày của các hãng như Bitis, Nike, Adidas. Kể cả cần một đôi giày để học thể dục, chúng cũng không chịu đi đôi bata Thượng Đình. Chúng chê mẫu mã không hợp, nói thẳng ra là xấu".
Thực tế, các quầy bán giày Thượng Đình ở 277 Nguyễn Trãi luôn trong tình trạng vắng bóng khách hàng. Đối tượng khách hiện nay thường là những người lao động mua những đôi giày thể thao giá rẻ và được gán mác là "giày bảo hộ lao động". Chính đối tượng khách hàng không đa dạng đã khiến thương hiệu giày dép với tuổi đời hơn 60 năm - được ví như thương hiệu "giày quốc dân" nay hụt hơi trong cuộc đua giành giật thị phần giữa làn sóng thương hiệu giày dép ngoại như Adidas, Puma, Nike... đổ bộ Việt Nam.
Thương hiệu giày "quốc dân" Thượng Đình lỗ 4 năm liên tiếp
CTCP giày Thượng Đình tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập năm 1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức CTCP, Công ty là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình.
Năm 2015, công ty cổ phần (CTCP) giày Thượng Đình đã thực hiện phiên phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với hơn 1,9 triệu cổ phiếu, mức giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, phiên IPO đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư lúc bấy giờ, khi tổng số lượng cổ phiếu đăng ký mua lên tới hơn 22 triệu đơn vị, gấp cả chục lần số lượng chào bán với mức giá cao nhất lên đến 51.000 đồng/cp.
Năm 2016, giày Thượng Đình chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM từ ngày 16/12/2016 với mã chứng khoán GTD, vốn hóa trên thị trường khi đó đạt hơn 400 tỷ đồng.
Song, từ sau khi cổ phần hóa, giày Thượng Đình lỗ 4 năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2017, doanh thu đạt gần 203 tỷ đồng tăng 60% so với năm 2016 nhưng mức tăng của giá vốn sản phẩm lại nhanh hơn so với mức tăng của doanh thu (tăng 67%), khiến lợi nhuận gộp tăng không đáng kể ở mức 27 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp còn tăng gấp hai lần lên gần 39 tỷ đồng so với năm trước khiến công ty báo lỗ trước thuế 17 tỷ đồng - đánh dấu năm đầu tiên thua lỗ từ sau cổ phần hóa.
Kết quả kinh doanh bết bát tiếp tục đeo bám giày Thượng Đình năm 2018 và 2019. Công ty gánh lỗ lần lượt là 17 tỷ đồng và 13,2 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu giảm dần còn 174 tỷ đồng và 166 tỷ đồng.
Riêng năm 2020, dù đã cố gắng chi gấp đôi số tiền quảng cáo so với năm trước đó nhưng vì Covid-19, doanh thu giảm mạnh xuống 104 tỷ đồng và ôm lỗ 14 tỷ đồng - đây là năm thứ 4 liên tiếp. Tính đến ngày 31/12/2020, công ty lỗ lũy kế hơn 48 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (93 tỷ đồng).
Tổng tài sản của công ty cuối năm 2020 còn gần 110 tỷ, giảm 23% so với đầu năm, chủ yếu giảm mạnh hàng tồn kho từ 47 tỷ còn 27 tỷ, và khoản phải thu khách hàng từ 26,78 tỷ còn gần 20 tỷ.
Theo giải trình báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn tồn đọng với số tiền 11,87 tỷ đồng.
Cụ thể, Ban giám đốc Giày Thượng Đình cho rằng khoản công nợ sẽ được thu hồi. Trong khi đó, kiểm toán không thu nhập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng này.
Kiểm toán cũng không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính năm 2020 của công ty.
Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh hàng tồn kho của công ty có một số vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển với số tiền 2,6 tỷ đồng. Song, Ban Giám đốc công ty đánh giá đây là các mặt hàng dự trữ cần thiết và không bị suy giảm giá trị vào thời điểm 31/12/2020.
Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2020, số dư nợ ngắn hạn của Giày Thượng Đình lớn hơn tài sản ngắn hạn hơn 4 tỷ đồng, công ty chỉ còn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, kiểm toán cho rằng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty có thể không được đảm bảo, ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của Công ty trong tương lai.
Ban Giám đốc đánh giá đây là thời kỳ công ty gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt khi có thông tin nhà máy phải di dời tại 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2020, Công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn đã được thanh toán trước hạn và Ban giám đốc công ty cam kết sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
"Đất vàng" hóa gánh nặng
Điểm dựa duy nhất của giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào "quỹ đất vàng" của công ty, nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như sở hữu khu đất có diện tích hơn 36.000 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội); khu đất ở Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội); khu Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Ngoài ra, giày Thượng Đình còn sở hữu khu đất 17.587m2 tại KCN Đồng Văn (Hà Nam) và khu đất phường Trường Sơn (Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Thế nhưng, nếu trước đó khu đất "vàng" là yếu tố giúp công ty thu hút được nhà đầu tư thời điểm mới IPO thì nay lại trở thành gánh nặng trong việc thoái vốn nhà nước. Bởi việc nắm giữ quỹ đất có giá trị lớn khiến công tác định giá, sắp xếp và xử lý đất đai của công ty gặp nhiều khó khăn.
Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại CTCP giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.
Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, lãnh đạo Công ty định hướng thời gian tới sẽ thúc đẩy nhanh việc thoái vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận