Giao thông tuần qua: Vietnam Airlines sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ, Bộ GTVT báo cáo gì về Cát Linh - Hà Đông?
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về việc đưa vào vận hành khai thác dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Vietnam Airlines thống nhất sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ GTVT báo cáo gì với Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
UBND TP. Hà Nội mới đây đã có công văn gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về việc giải pháp khắc phục đối với 9 khuyến cáo của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo văn bản trên, UBND TP. Hà Nội đồng thuận với các giải pháp khắc phục đối với 9/16 vấn đề/phát hiện của tư vấn ATC (Pháp) liên quan đến quản lý vận hành, bố trí nhân sự trong giai đoạn khai thác, thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội theo đề nghị của Bộ GTVT.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có công văn gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về việc đưa vào vận hành khai thác dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm trễ hẹn.
Theo đó, về kết quả nghiệm thu hoàn thành dự án, Bộ GTVT cho biết, công trình đã được nghiệm thu hoàn thành tuân thủ theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, vận hành thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định của dự án và nội dung quy định tại điều 23, nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác an toàn đã được Ban Quản lý dự án đường sắt xác nhận trong biên bản và kèm theo các giải pháp khắc phục trong thời gian bảo hành công trình.
"Như vậy, công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án; toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước theo quy định", công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Khánh thành 2 cầu nối Hải Phòng với Hải Dương
Chiều 17/7, UBND TP. Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức khánh thành 2 cầu Quang Thanh và cầu Dinh, nối TP. Hải Phòng với Hải Dương.
Được biết, cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão của thành phố Hải Phòng với huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương qua sông Văn Úc) và cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương qua sông Kinh Thầy).
Theo thiết kế được phê duyệt, cầu Quang Thanh có chiều dài 536m, rộng 12m, chiều cao khoang thông thuyền 9,5m; Tổng mức đầu tư khoảng 398,6 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến 15 tháng.
Cầu Dinh có chiều dài 370m, rộng 12m, chiều cao khoang thông thuyền 9,5m; tổng mức đầu tư khoảng 269,4 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến 12 tháng.
Hai cầu được thiết kế hiện đại, phù hợp với địa hình, chiều rộng của lòng sông, chiều dài của nhịp chính và đảm bảo tính kinh tế. Theo đó, cầu Quang Thanh là loại cầu Extrados mang dáng dấp của cầu dây văng và cầu Dinh thì có 2 trụ chính hình chữ V.
Vietnam Airlines sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng
Theo ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Vietnam Airlines, năm 2020, hãng hàng không này đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.
Mức lỗ này thấp hơn khá nhiều so với con số ước tính đã được ban lãnh đạo Vietnam Airlines công bố tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 29/12/2020 là 14.445 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất và công ty mẹ lần lượt là 42.276 tỷ đồng và 33.266 tỷ đồng, tương ứng vượt 4,2% và 2,2% so với kế hoạch. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doạnh ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực với mức lỗ hợp nhất và công ty mẹ đều thấp hơn đáng kể so với mục tiêu ban đầu, lần lượt giảm chỉ bằng 72,2% và 60,4% kế hoạch đặt ra.
Năm 2021, Vietnam Airlines xác định là năm tài chính khó khăn, tuy nhiên hãng vẫn xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020.
Hãng hàng không này cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý III/2021.
Bộ GTVT ủng hộ Quảng Trị xây cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo 7.700 tỷ
Bộ GTVT vừa có văn bản ủng hộ UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công - tư.
Bộ GTVT đánh giá đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia được lập và đã được hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cho rằng việc giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức đối tác công tư (PPP) là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và quy định pháp luật, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Theo đề xuất của tỉnh Quảng Trị, tuyến cao tốc chạy theo hướng đông tây của tỉnh, nối huyện Cam Lộ với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, dài 70km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 28,31%, thời gian hoàn vốn 19 năm.
Bộ GTVT: 'Sân bay thứ 2 cho Hà Nội ở Ứng Hòa khó khả thi'
Bộ GTVT mới đây đã có văn bản trả lời đề xuất của UBND TP. Hà Nội liên quan đến việc quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa.
Theo Bộ GTVT, sau cuộc họp với UBND TP. Hà Nội về phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài, Bộ đã giao các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể ưu, nhược điểm của các kịch bản quy hoạch sân bay Nội Bài, cùng với phương án nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng, các đơn vị đánh giá vị trí Ứng Hòa rất khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Nội Bài.
Trong khi đó, các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.
Bộ GTVT cũng cho biết trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô sau năm 2040.
Tuy vậy, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh sẽ tiếp thu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội và sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phục hồi, phát triển của hàng không sau đại dịch Covid-19 để có đầy đủ số liệu, cơ sở nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô dự kiến sau giai đoạn năm 2030.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận