menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Anh Tuấn

Giao dịch trực tuyến - cuộc cạnh tranh quyết liệt của các ngân hàng

Tác động của dịch bệnh vừa qua buộc khách hàng phải thay đổi hành vi, những ngân hàng nào có nền tảng công nghệ mạnh, kênh phân phối hiện đại sẽ có cơ hội giành lấy thị phần từ những khách hàng ở kênh giao dịch truyền thống chuyển qua.

Giờ đây dịch vụ Ebanking của không ít ngân hàng không chỉ cung cấp các dịch vụ thanh toán truyền thống, mà còn có thể mua sắm khá nhiều sản phẩm phong phú khác.

Trực tuyến lên ngôi

Nếu như trước đây, mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch và hệ thống ATM là những kênh giao dịch chủ đạo của ngân hàng để phục vụ khách hàng, thì trong năm năm trở lại đây, các ngân hàng đồng loạt đẩy mạnh phát triển kênh ngân hàng điện tử (Ebanking), cung cấp các sản phẩm dịch vụ qua nền tảng Internet Banking và Mobile Banking.

Riêng hai năm trở lại đây, trước sức ép cạnh tranh từ các công ty công nghệ tài chính (FinTech) với sản phẩm ví điện tử phát triển mạnh, các ngân hàng buộc phải cải tiến, nâng cấp kênh Ebanking, đảm bảo tiện lợi, nhanh chóng với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn để thỏa mãn khách hàng. Có thể thấy giờ đây dịch vụ Ebanking của không ít ngân hàng không chỉ cung cấp các dịch vụ thanh toán truyền thống, mà còn có thể mua sắm khá nhiều sản phẩm phong phú khác, theo đó khách hàng khi đăng nhập vào hệ thống Ebanking chẳng khác nào đang đi vào một siêu thị trực tuyến.

Song song đó, bên cạnh những ngân hàng liên kết, hợp tác với các ví điện tử để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thì cũng có một số ngân hàng chủ động phát triển nền tảng ngân hàng số, ví điện tử riêng, bên cạnh duy trì các kênh giao dịch truyền thống. Có thể kể đến như Timo, Yolo của VPBank, Quickpay, Livebank của TPBank, VCBPay của Vietcombank, SacombankPay của Sacombank,…

Về cơ bản, ngân hàng điện tử và ngân hàng số đều cung cấp các nền tảng giao dịch trực tuyến cho khách hàng, nhưng trong khi ngân hàng điện tử chỉ đơn thuần là một kênh giao dịch bổ sung của ngân hàng truyền thống, thì ngân hàng số có chức năng đa dạng, rộng mở hơn, đồng thời các hoạt động, quản lý đều được số hóa nên giúp tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể.

Với cuộc cách mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, xu hướng ngân hàng số (Digital Banking) và ngân hàng thế hệ mới (Neo Bank) ngày càng lan rộng và chiếm ưu thế, Việt Nam có lẽ không nằm ngoài cuộc chơi sẽ thay đổi này.

Đơn cử như dịch vụ cho vay, từ trước đến nay vẫn có suy nghĩ phổ biến rằng cần phải thực hiện tại các điểm giao dịch vật lý truyền thống, thì thực tế thời gian qua nhiều mô hình cho vay trực tuyến ngang hàng được xử lý nhanh gọn lẹ, khi sử dụng các giải pháp thẩm định trực tuyến thông qua việc đánh giá các hoạt động trên điện thoại, mạng xã hội, mà hiện có khá nhiều công ty cung cấp. Đáng lưu ý là ngay cả những mô hình kinh doanh truyền thống như cho vay tiêu dùng, hiện nay cũng đang sử dụng những nền tảng thẩm định trực tuyến này để đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ và giảm thiểu rủi ro chủ quan từ phía con người.

Cơ hội chiếm khách hàng

Trước những tác động của dịch bệnh hiện nay, các ngân hàng càng có động lực thay đổi mô hình kinh doanh chuyển sang nền tảng trực tuyến nhiều hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu và hành vi của khách hàng đang có sự thay đổi lớn. Rõ ràng, khi một bộ phận khách hàng từ khu vực giao dịch ở các kênh truyền thống chuyển sang trực tuyến, những ngân hàng nào có nền tảng hiện đại, an toàn và tiện lợi nhất sẽ có cơ hội chiếm lấy niềm tin và sự ưa chuộng của lực lượng này.

Số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho thấy, trong ba tháng đầu năm nay, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi từ đầu năm đến nay chứng kiến khá nhiều ngân hàng tiến hành nâng cấp, cải tiến hệ thống Ebanking, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng số lượng khách hàng tăng vọt ở kênh giao dịch này. Như việc hệ thống giao dịch điện tử của Techcombank bị gián đoạn trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, theo ngân hàng này cho biết, do lượng khách hàng truy cập tăng cao cùng số lượng giao dịch tăng đột biến gấp 4 lần so với ngày thường, nên phiên bản nâng cấp đã phát sinh hiện tượng không ổn định, gây ảnh hưởng tốc độ truy cập.

Sự cạnh tranh ở các nền tảng giao dịch ngân hàng trực tuyến ngày càng trở nên quyết liệt, trong đó những ngân hàng lớn có hiệu quả kinh doanh tốt hoặc nguồn vốn dồi dào được cho là có lợi thế về nguồn lực để phát triển, nâng cấp cả hệ thống ngân hàng lõi lẫn ngân hàng trực tuyến theo hướng không chỉ hiện đại mà còn phải đảm bảo tương thích. Ngược lại, cũng có luồng quan điểm cho rằng chính những ngân hàng nhỏ mới thật sự có lợi thế chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang trực tuyến, hơn là những gã khổng lồ vốn xoay chuyển chậm chạp.

Bên cạnh việc cải tiến, nâng cấp hệ thống, chiến lược cạnh tranh về giá cũng là mặt trận quan trọng để thu hút khách hàng sử dụng các nền tảng giao dịch trực tuyến của các ngân hàng. Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã miễn, giảm phí, khuyến mãi nhiều dịch vụ trực tuyến, không chỉ để cạnh tranh mà còn để ứng phó với các dịch vụ miễn phí trên ví điện tử của các công ty FinTech ngày càng lan rộng.

Hay như sản phẩm tiền gửi, hiện nay có khá nhiều ngân hàng áp khung lãi suất tiền gửi trực tuyến cao hơn so với gửi tại quầy, nhằm thu hút khách hàng trải nghiệm nền tảng giao dịch trực tuyến của ngân hàng, đồng thời giảm tải cho giao dịch tại quầy. Ngoài ra, việc đăng ký sử dụng một số sản phẩm dịch vụ truyền thống của ngân hàng, hiện nay cũng có thể được thực hiện trực tuyến, giảm thời gian chờ đợi, đi lại của khách hàng.

Với áp lực thu hẹp các trụ sở giao dịch vật lý để tiết giảm chi phí, cùng với xu hướng thay đổi hành vi của khách hàng, các nền tảng giao dịch trực tuyến của hệ thống ngân hàng sẽ còn phát triển mạnh mẽ để thay thế dần các kênh phân phối truyền thống. Trong đó, ngoài tính tiện lợi và phí dịch vụ, đặt trong bối cảnh rủi ro và lừa đảo trực tuyến tràn lan hiện nay, khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn những ngân hàng có tính bảo mật, an toàn cao nhất và có giải pháp bảo vệ khách hàng tốt nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả