Giao dịch chứng khoán chiều 12/7: Đã giảm tới ngưỡng mua vào?
Nhìn vào giao dịch phiên hôm nay, tạm bỏ qua chuyện thị trường có phiên lao dốc mạnh nhất từ sau Tết Nguyên đán thì có một dấu hiệu đáng chú ý là lực cầu bắt đáy rất mạnh.
Có thời điểm trong phiên chiều, lượng cổ phiếu giá sàn chất lớn biểu hiện của sự hoảng loạn và magin bị thoát ra, nhưng đều được hấp thu gần hết, đặc biệt ở các nhóm dẫn dắt chứng khoán và ngân hàng. Khối ngoại tiếp tục đi ngược thị trường khi tranh thủ các phiên giảm điểm mua vào rất mạnh.
Câu hỏi đặt ra là đã đến thời điểm để mua vào?
Về xu hướng thì rõ ràng thị trường đang trong trạng thái bán mạnh nếu không muốn nói là hoảng loạn, thị trường phiên hôm nay cả sáng và chiều có 2 lần mất tới 70 điểm với VN-Index, mức giảm hơn 5%, tương đương số điểm mất đi của cả tuần trước. Nếu tính tổng 6 phiên gần nhất thì thị trường mất tới gần 10%. Tốc độ giảm quá lớn thì quán tính sẽ cao, để ngắt mạch giảm mạnh này nhanh và gọn cần bộ phanh của chiếc xe đua công thức 1!
Thực ra thị trường trong quá khứ từng có mẫu hình đảo chiều ngoạn mục khi đổi chiều xu hướng như vậy, nhưng rất hiếm, chẳng hạn phiên ngày 5/2/2018, VN-Index giảm 56,33 điểm (5,1%) và phiên kế tiếp giảm thêm 37 điểm nữa trước khi tạo đáy và phục hồi. Điểm số mất đi của nhịp đảo chiều ngắn hạn đó với VN-Index lên tới khoảng 130 điểm, tương đương với hơn 10% so với mức đỉnh 1.120 điểm.
Những nhịp điều chỉnh khi thị trường đã xác nhận "gãy trend" mà chỉ mất khoảng 10% là không nhiều, còn lại để thị trường phục hồi thì hầu hết cần một nhịp giảm sâu theo nguyên tắc lên cao nhiều thì phải giảm nhiều.
Như vậy, bắt đáy ở thời điểm này là rủi ro nhưng có thể thấy dòng tiền bắt đáy phiên hôm nay hoạt động rất tích cực, 2 lần "múa bên trăng" với một loạt mã nằm sàn dư bán nhiều triệu cổ phiếu đã được dòng tiền này hấp thu gần hết. Tổng giá trị giao dịch nhờ vậy cũng vọt lên mức rất cao, trên 31.600 tỷ đồng.
Có một sự hấp dẫn không hề nhẹ trong mỗi nhịp giảm điểm đó là cơ hội phục hồi kỹ thuật, mức giảm càng nhanh thì lực bật lại càng lớn. Bắt đáy trúng thì chỉ cần 3 phiên (T+3) là có thể thu được số lãi hàng chục phần trăm. Thành quả không nhỏ trong các giai đoạn thị trường giá xuống.
Đó là vì sao mà chứng khoán luôn hấp dẫn.
Lực cầu không đủ so với lực bán ra, lực bán xuất hiện như có chủ đích tác động tới các nhà đầu tư đang cố giữ cổ phiếu, đẩy lượng bán ra tăng đột ngột. Bán cắt lỗ và bán giải chấp margin.
Tâm lý hoảng loạn thực sự xuất hiện trong phiên chiều nay sau khoảng 1 giờ giao dịch khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến bảng điện tử nhuốm đỏ với hơn 180 mã nằm sàn. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục nhất khi bốc bơi hơn 76 điểm và về sát vùng giá 1.270 điểm.
Tại đây, dòng tiền bắt đáy gia tăng mạnh với tâm điểm hướng đến nhóm cổ phiếu bluechip, một lần nữa giúp VN-Index bật mạnh đi lên. Tuy nhiên, với việc thanh khoản xác lập kỷ lục chỉ đủ để giúp thị trường thu hẹp biên độ giảm. Chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến thêm 1 phiên giảm sâu khi để mất hơn 50 điểm về dưới ngưỡng 1.300 điểm.
Trong nhóm VN30, sắc xanh le lói ở một số mã, là động lực chính giúp thị trường bớt tiêu cực như MSN tăng 2,6% lên 119.900 đồng/CP, NVL tăng 1,5% lên 105.100 đồng/CP, MWG và VJC tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Còn lại các mã vẫn giảm sâu, đáng kể là bộ 3 gồm VTG, VPB và SBT không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo, trong đó VPB dư bán sàn gần 0,27 triệu đơn vị. Hàng loạt mã lớn như BID, HPG, SSI, BVH, FPT, GAS, TCB, VHM, VIC… dù biên độ có thu hẹp nhưng vẫn giảm 4 - 6%, thậm chí BID giảm 6,5% về sát mức giá sàn 42.000 đồng/CP.
Ngoài ra, hàng loạt các mã khác trong các nhóm trụ cột cũng giảm mạnh trên 6% hoặc nằm sàn như ngân hàng có ACB, SSB, VIB, OCB; nhóm thép có HSG, NKG, TLH, SMC; dòng chứng khoán có HCM, VIX, CTS, VDS…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh mắt mèo cũng tràn ngập, trong đó, FLC và ROS dư sàn chất đống, tương ứng là 6,34 triệu đơn vị và xấp xỉ 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, HNG, ITA, HQC, DLG, LDG, HAG… cũng trong trạng thái dư bán sàn.
Về thanh khoản, top 5 cổ phiếu dẫn đầu gồm HPG khớp 75,5 triệu đơn vị, STB khớp 62,62 triệu đơn vị, TCB khớp 58,24 triệu đơn vị, MBB khớp 34,53 triệu đơn vị, CTG khớp gần 28 triệu đơn vị. Nhờ lực cầu tăng mạnh mà các mã lớn HPG, STB, TCB đều thoát đà giảm sàn khi kết phiên.
Trên sàn HNX, đà giảm cũng có chút thu hẹp nhờ sự hồi phục của một số mã lớn nhưng thị trường chưa thể thoát được phiên lao dốc mạnh.
Cổ phiếu PVS tiếp tục nới rộng đà tăng lên vùng giá cao nhất ngày khi kết phiên tăng 3,8% lên 24.300 đồng/CP và khớp 18,14 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, trong nhóm HNX30 còn có NVB và THD đảo chiều thành công dù đà tăng còn hạn chế chỉ trên dưới 0,5%.
Cổ phiếu SHB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với hơn 41,65 triệu đơn vị được khớp lệnh nhưng đóng cửa nằm sát sàn khi giảm 8,8% xuống 23.700 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng chưa thoát khỏi đà giảm sâu như SHS, VND, IDC giảm trên 8-9%, BAB giảm 6,9% xuống mức 23.000 đồng/CP, PAN giảm 5% xuống 22.800 đồng/CP…
Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh khỏi phiên giảm mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận