24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng đơn vị, cán bộ, công chức

Theo Tổng cục Thuế, cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ thuế, ngành Thuế đang tập trung giải quyết hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) để xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi.

Ngành Thuế xác định thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ phải đối diện với những áp lực lớn.

“Năm nay, ngành Thuế tiếp tục rà soát, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế. Các cục thuế giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, chi cục thuế, từng đội thuế, công chức thuế. Hàng tháng, hàng quý các đơn vị thuế kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra; thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để có giải pháp đôn đốc thu nợ...”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạm chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước (NSNN). Năm 2022, toàn ngành Thuế đã ban hành 448.182.650 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người NNT, đạt 100% số NNT phải thông báo, gửi thư điện tử trao đổi thông tin qua email về tình hình nợ thuế của doanh nghiệp.

Năm 2022, toàn ngành Thuế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cơ quan thuế, với 588.732 lượt NNT chây ỳ, nợ thuế không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền thuế nợ đã công khai là 186.424 tỷ đồng. Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã ban hành 160.504 quyết định cưỡng chế tài khoản, 18.991 quyết định cưỡng chế hóa đơn, 3.054 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy phép và 152 quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp khác.

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, ước tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và đã thu hồi được 296.842 tỷ đồng tiền thuế mà NNT nộp sau khi đã hết thời hạn nộp thuế, chiếm 20,3% tổng số thu ngành Thuế quản lý năm 2022; thực hiện thu hồi và xử lý điều chỉnh nợ tại thời điểm ngày 31/12/2021 đạt 39.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đánh giá: Kết quả thu nợ khá quan trọng, song tiền thuế nợ vẫn tăng so với thời điểm 31/12/2021. Số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các năm, đã tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế. Ngoài ra, tiền phạt, tiền chậm nộp tăng so với thời điểm 31/12/2021 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.

Theo Tổng cục Thuế, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng, trong đó: Thu từ dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng.

Đến nay, gói chính sách tiền tệ và các giải pháp lành mạnh hóa thị trường của Ngân hàng Nhà nước dự báo sẽ hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư thực chất, tạo ra giá trị tăng thêm cho xã hội, nhưng sự chuyển hướng này cần nhiều thời gian hơn để quay vòng tạo ra lợi nhuận và nguồn thu cho NSNN.

Các chính sách miễn, giảm thuế ban hành năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023. Mặt khác, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển. Trước mắt, điều này có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so với dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành Thuế trong năm 2023.

Theo Tổng cục Thuế, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có 80 nước trên thế giới có lạm phát từ 2 con số trở lên. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ…, nên có thể kích hoạt cho sự suy giảm, thậm chí suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Là nền kinh tế có độ mở cao, những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới đã và đang tạo sức ép lớn tới kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Trước những khó khăn kép mà nền kinh tế đang phải đối phó từ sức ép bên ngoài do bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh trong 2 năm qua đối với một số ngành, lĩnh vực, ngành Thuế xác định thu NSNN năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ phải đối diện với những áp lực lớn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả