Giao Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế kiểm soát thị trường bất động sản
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng đề xuất giải pháp phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, đặc biệt quan tâm đến chính sách tín dụng, cơ chế kiểm soát thị trường.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 332/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là sổ hồng) đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Đối với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này phải chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện tình hình thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nêu rõ thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và có số liệu so sánh với giai đoạn 2011-2015, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn 2021-2025 (đặc biệt quan tâm đến chính sách tín dụng; cơ chế kiểm soát thị trường; quản lý và phát triển thị trường theo chương trình, kế hoạch, quy hoạch; vai trò, trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong quản lý và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản...) để trình Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Đôn đốc các địa phương sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh,…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản. Theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, điều chỉnh, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương bảo đảm phù hợp với tình hình của địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội (nhà ở người có công với cách mạng; nhà ở người thu nhập thấp khu vực đô thị; nhà ở công nhân khu công nghiệp...) trên phạm vi địa bàn.
Phối hợp với cơ quan công an tăng cường theo dõi công tác quản lý vận hành, phòng chống cháy nổ tại các tòa nhà chung cư. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng chống cháy nổ, quản lý vận hành, sử dụng các tòa nhà chung cư...
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, ước tính cả nước đã đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án, tổng mức đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2009). Đơn cử, trong 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 nhà ở thì có hơn 1.000 dự án nhà ở xã hội với hơn 85.000 căn; có khoảng 16.500 căn officetel, hơn 39.100 căn hộ du lịch. Có 362 khu công nghiệp với hơn 95.000ha đất, có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú; có 6 triệu m2 văn phòng cho thuê (tăng gấp 3 năm 2009).
Diện tích nhà ở bình quân tăng gần 1,4 lần (từ 16,7m2 lên 23,2m2). Tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng 1,6 lần (từ 1,4 tỷ m2 lên khoảng 2,3 tỷ m2), bình quân mỗi năm tăng khoảng 60 triệu m2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận