Giãn dân phố cổ: 'Ngủ đông' đến bao giờ?
Mục tiêu đến năm 2020, Đề án giãn dân phố cổ di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực để mật độ dân số giảm xuống mức 500 người/ha. Tuy nhiên đến nay, đề án này vẫn “ngủ đông”, thậm chí có nguy cơ không thể thực hiện.
Nhiều năm qua, phố cổ Hà Nội nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, văn hóa đặc sắc. Phố cổ cũng nổi tiếng với những ngõ nhỏ hun hút tối tăm. Có những ngõ nhỏ rộng chưa đến 1 mét chỉ 1 người di chuyển, bên trong có hàng chục hộ dân sinh sống như: 68 Hàng Bông, 44 Hàng Buồm, 47 Hàng Đường…
Nhà ông Hải ở 35 Hàng Bạc rộng chừng 9m2 nhưng có tới 7 nhân khẩu, 3 thế hệ chung sống. Chật chội là vậy nhưng ông Hải chưa có ý định chuyển gia đình đi nơi khác sinh sống, bởi ở đây ông còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt. Ông Hải cho biết, nếu Nhà nước có chính sách di dời cụ thể, ông và nhiều người dân mong muốn được nhà nước mua lại nhà với giá hợp lý, tạo điều kiện làm ăn khi chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Tại phố Thuốc Bắc, ông Cao chia sẻ, hơn 20 năm qua, gia đình ông vẫn sống trong căn nhà chỉ rộng 10m2. “Mọi việc sinh hoạt cá nhân đều phải xuống sân tập thể của ngõ”, ông Cao nói.
Khu phố cổ Hà Nội hiện có diện tích khoảng hơn 82ha với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dân số hiện có hơn 66.000 người, mật độ 823 người/ha, rất cao so với yêu cầu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô về mật độ dân khống chế cho khu phố cổ đến năm 2020 là 500 người/ha.
Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự quá tải và xuống cấp trầm trọng về môi trường sống đô thị của khu phố cổ.
Dự án có khả thi?
Giữa 2019, Đề án giãn dân phố cổ được tái khởi động sau thời gian 20 năm “bất động”. Vào năm 1998, UBND thành phố Hà Nội công bố dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư trong khu vực này, từng bước cải thiện đời sống người dân nhằm bảo tồn và tôn tạo phố cổ, góp phần phát huy các giá trị di sản của Thủ đô.
Đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, có 2 đối tượng thuộc diện di dời, đối tượng bắt buộc là cư dân sống ở đình, đền, di tích, trường học, hoặc đất công sản…; hai là cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp cần phải di dời.
Tuy nhiên đến nay, cả 2 đối tượng trên đều có những khó khăn trong rà soát. Đối với diện bắt buộc, việc xác định ranh giới chung riêng giữa di tích, quản lý công sản với của người dân rất khó. Bởi qua nhiều năm diện tích lấn chiếm, cơi nới, sử dụng rất nhiều. Bên cạnh đó, có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế lại không còn, giải quyết thế nào vẫn chưa có phương án.
Đối với diện tự nguyện, các phường đều cơ bản đã có thống kê. Tuy nhiên, còn nhiều điều kiện khiến người dân chưa “mặn mà” với di dời. Thứ nhất là chính sách tái định cư, trước đây thành phố áp dụng chính sách như nhà ở xã hội nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Do đó, không khuyến khích được người dân tham gia. “Vấn đề người dân quan tâm nhất là khả năng phát triển kinh tế, an sinh xã hội khi sang tái định cư bên quận Long Biên ra sao khi khu nhà ở xã hội vẫn chưa hình thành?”, đại diện Ban quản lý phố cổ lo ngại.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, đối với khu tái định cư tại quận Long Biên, quận đã điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng, thêm tầng hầm. Cụ thể, tầng hầm từ 1 được nâng lên 2 hầm; chiều cao từ 12 tầng lên thêm 1 tầng lửng. Đồng thời, có khu chợ tại tầng đế để phục vụ nhu cầu kinh doanh của bà con, đảm bảo an sinh xã hội.
TS. KTS Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, việc giãn dân, di dân phố cổ là điều bất khả thi bởi nơi đây gắn liền với sinh kế của người dân, nên nếu di dân thì ảnh hưởng lớn đến sinh kế của họ. KTS Trần Minh Tùng cho rằng: “Thay vì thực hiện quá trình giãn dân phố cổ sang khu Việt Hưng (Long Biên), chính quyền Hà Nội nên cải tạo lại khu phố cổ thành nơi đáng sống”.
Những vướng mắc lớn trong di dân phố cổ đang rất cần Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sớm có giải pháp khả thi. Đây cũng là cách đưa những phân khu quy hoạch nội đô lịch sử đang được kỳ vọng vào thực tế cuộc sống.
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Phố cổ không chỉ là của quận Hoàn Kiếm, của Thủ đô Hà Nội mà nó đã được xác định trên bản đồ thế giới, là một di sản lớn. Do đó, cần phải có những quy chế, chính sách đặc biệt để cải tạo khu vực này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận