Giãn cách kéo dài, thị trường điện máy ảm đạm
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên thị trường điện máy vẫn rất ảm đạm. Không chỉ doanh nghiệp sụt giảm doanh thu mà người tiêu dùng muốn mua sản phẩm cũng khó.
Khó mua, khó bán
Do tivi hỏng ngay giữa những ngày Hà Nội giãn cách, chị Nguyễn Thị Lan (An Khánh, Hoài Đức) muốn thay một chiếc tivi mới cho gia đình. Liên hệ với một siêu thị điện máy lớn tại phố Nguyễn Thái Học, chị nhanh chóng nhận lời mua một chiếc tivi đời mới, được giảm giá 5%.
“Chốt đơn rồi nhưng khi tôi báo địa chỉ thì phía siêu thị điện máy không thể chuyển hàng cho tôi. Lý do là đang thời gian giãn cách nên nhân viên kinh doanh ở siêu thị chỉ làm việc online. Nhà tôi lại ở khu vực ngoại thành, trong khi hàng điện máy không phải là hàng thiết yếu nên rất khó vận chuyển trong lúc Hà Nội đang giãn cách như thế này. Phía siêu thị hẹn tôi chờ đến sau giãn cách mới có thể nhận được hàng”, chị Lan buồn bã cho biết.
Trong khi người tiêu dùng như chị Lan khó khăn trong mua sản phẩm thì nhiều cửa hàng điện máy lại không dễ dàng bán sản phẩm. Ước tính của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy cho thấy, hàng tồn kho điện máy hiện tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 30%, với số lượng lên đến hàng triệu sản phẩm. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, các siêu thị điện máy phải đóng cửa. Bán hàng online gặp khó khăn, thuê giao hàng cũng không dễ trong thời điểm thành phố đang giãn cách như hiện nay.
Để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp điện máy đã phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho. Sản phẩm được các siêu thị giảm giá giảm nhiều nhất là tivi. Nhiều mẫu tivi Led, 4K, 8K, Qled, Oled đã giảm giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Thống kê chung, tivi đã giảm giá từ 30-50%, máy giặt giảm từ 30%, máy điều hòa không khí giảm 15%, giá tủ lạnh giảm từ 10-30%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35- 41%...
Đơn cử, khảo sát một số chuỗi siêu thị như Pico, Điện máy xanh… có thể thấy ở phân khúc trung bình, hiện nay tivi Led 50 inch Full HD của Samsung có giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng; Samsung Led 55 inch 4K-Ultra HD có giá khoảng 12 triệu, tivi Led LG 65 inch 4K-Ultra HD khoảng 18 triệu đồng tivi Led Samsung 65 inch 4K-Ultra HD 24 triệu đồng...
Giá tủ lạnh và điều hòa cũng giảm, nhưng mức giảm ít hơn. Điều hòa từ 9.000-18.000 BTU của các thương hiệu như Panassonic, LG, Mitsubishi... mức giá giảm từ 1,5-2 triệu đồng tùy từng sản phẩm. Tủ lạnh cao cấp của các thương hiệu khác như Hitachi, Panasonic, Mitshubishi... giảm từ 4-12 triệu đồng.
Tạo điều kiện về vận chuyển
Mặc dù đã được ưu đãi sâu như vậy nhưng ghi nhận chung, tốc độ tiêu thụ các sản phẩm rất chậm. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, chủ một siêu thị điện máy tại đường Phạm Văn Đồng cho biết, khó khăn hiện tại chính là không thể mở cửa hàng, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng. Nếu như trước đây, các hệ thống bán lẻ chỉ chạy chương trình ưu đãi vào các dịp lễ còn năm nay phải tổ chức liên tục để thu hút khách hàng. Đồng thời thuyết phục khách hàng đặt cọc và nhận hàng sau khi hết giãn cách. Tuy nhiên, không nhiều người tiêu dùng đồng ý với cách này.
“Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên và nhiều khoản chi phí khác. Nếu giãn cách kéo dài mà không có phương án giải quyết thì không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ phải đóng cửa”, anh Chiến cho hay.
Đối với một số mặt hàng khác như tủ lạnh, điều hòa… khó khăn còn ở chỗ không thuê được thợ lắp đặt vì yêu cầu giãn cách khiến thợ lắp đặt không thể ra khỏi nhà nếu không có giấy đi đường. Ngoài các hệ thống siêu thị đã có sẵn đội ngũ lắp đặt tại siêu thị, nhiều cửa hàng nhỏ hơn trước đây thường thuê ngoài thợ lắp đặt, đến nay rất khó để thuê người.
Ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing của chuỗi siêu thị điện máy Pico, nhận xét, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đầu 5/2021, sản phẩm điện máy các loại tiêu thụ rất chậm, giá giảm mạnh mà không có khách mua. Doanh số sụt giảm mạnh nhất thuộc về mặt hàng tivi, dù giá giảm sâu vẫn ế ẩm. Lợi thế của Pico là có nhiều cửa hàng hoạt động tại một số tỉnh đang không phải giãn cách. Tuy nhiên, Hà Nội lại là thị trường lớn, có doanh số bán lớn nhất nên việc thành phố giãn cách kéo dài khiến việc tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn.
Để duy trì hoạt động, siêu thị điện máy Pico cũng xúc tiến phối hợp với các hãng để chạy nhiều chương trình giảm giá mạnh đến 50%. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tài chính để đưa ra nhiều giải pháp thanh toán cho người tiêu dùng, chẳng hạn trả góp kéo dài lên đến 24 tháng, tăng thời gian bảo hành sản phẩm… Tuy nhiên, việc tiêu thụ cũng không dễ.
Các doanh nghiệp điện máy rất lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ khiến khó khăn ngày càng chồng chất. Trong khi đó, dòng đời nhiều sản phẩm điện máy rất ngắn, mỗi năm đều ra mắt mẫu mã mới. Vì vậy, những mẫu cũ không bán được, coi như lỗi mốt và càng để lâu càng mất giá.
Thông thường, dịp cuối năm như Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch là thời điểm kinh doanh của doanh nghiệp điện máy. Nếu được gỡ khó kịp thời, đây sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh từ đầu năm đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận