menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo Toàn

'Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông để hạn chế chi phối ngân hàng'

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức xuống 10% để hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng.

Ngày 15/1, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường. Một trong ba nội dung được xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này là dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật sau chỉnh lý, tiếp thu, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng nhưng Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa và điều kiện mua.

Quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng lần này được giữ nguyên như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2023. Tuy nhiên, thảo luận trước đó có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10% bởi có thể gây xáo trộn không cần thiết, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng. "Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

Cùng đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.

'Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông để hạn chế chi phối ngân hàng'
Giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở TP HCM, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Thảo luận hồi tháng 11/2023, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh, cho rằng tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn. Xác định được ông chủ thực mới ngăn chặn, xử lý được sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng.

Theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo giải trình, tiếp thu cho biết dự thảo Luật lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/1/2025 (thời điểm Luật này có hiệu lực) cổ đông vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần được duy trì nhưng không tăng thêm, trừ trường hợp họ nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Sau chỉnh lý, tiếp thu dự Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có 15 chương và 210 điều. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Luật này vào chiều 15/1.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại