Giảm thuế xăng dầu 1.000 đồng/lít: Vẫn khó kỳ vọng hàng hóa hạ giá theo
Trước tình trạng giá xăng liên tục tăng cao, mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế xăng dầu.
Sau 10 năm liên tục tăng, lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất giảm đồng loạt thuế bảo vệ môi trường với các loại xăng dầu. Cụ thể, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, việc giảm thuế xăng dầu là cần thiết. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, việc chỉ giảm 1.000 đồng/lít xăng có thể sẽ không tác động nhiều đến mặt bằng giá cả thị trường.
Nhận định về nội dung trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đề xuất này chưa đủ sức để giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Qua đó, mặt bằng giá cả thị trường sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới.
"Dư địa giảm vẫn còn nhiều, theo tôi Chính phủ và Quốc hội cần xem xét cẩn trọng. Nếu giảm thuế một cách hợp lý, sản xuất sẽ được thúc đẩy, doanh nghiệp "hồi sinh" sau những ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Bộ Tài chính không nên chỉ nhìn vào việc sau khi giảm thuế 1.000 đồng/lít thì ngân sách giảm thu khoảng 14.000 tỷ. Vấn đề quan trọng hơn là chi phí sản xuất, kinh doanh giảm, doanh nghiệp, người dân được tiếp sức. Đây mới là vấn đề toàn xã hội mong chờ", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Nhận định về thị trường thời gian tới, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, chiến sự giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng. Trong khi đó, mức giá khoảng 27.000 đồng/lít xăng hiện tại chỉ phản ánh tương đương với mức giá dầu khoảng 100 USD/thùng. Trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng.
Trước viễn cảnh đó, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, việc giảm thuế "được đồng nào hay đồng ấy", tuy nhiên, cần đánh giá tác động nhiều chiều. Cụ thể, ngành chức năng cần tính toán khi hiện trạng ngân sách của Việt Nam đang rất khó khăn. Do đó, việc cắt giảm thuế phí cần được xem xét cẩn trọng. Trong bối cảnh hiện tại, việc cần làm là tái cơ cấu ngành vận tải, giảm đường bộ, tăng đường sắt, đường thủy
"Nếu chúng ta để giá xăng dầu quá thấp so với mặt bằng chung có thể xuất hiện nguy cơ buôn lậu. Với tình hình chiến sự tại Nga – Ukraine hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể dự báo trước tác động tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam như thế nào?
Bên cạnh đó, ông Doanh cho rằng, để giải quyết vấn đề trước mắt cần tạm thời tìm nguồn cung năng lượng khác để giảm bớt chi phí xăng dầu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý điều này sẽ tạo ra sức ép về khí thải, môi trường.
Cũng liên quan đến việc giảm thuế xăng dầu, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý với Bộ Tài chính. Theo đó, đơn vị này đánh giá cao đề xuất nhưng yêu cầu cần có biện pháp "mạnh mẽ hơn".
Cụ thể, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận