menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phú Đô

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xe hơi, đừng lo thất thu trước mắt

Một chính sách được các doanh nghiệp ngóng chờ và đã kiến nghị từ lâu là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế cho phần linh kiện sản xuất trong nước để tạo sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.

Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này cũng như các chính sách thuế nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ xe hơi trong nước.

* Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, dù được giới doanh nghiệp trông đợi nhưng vẫn có những lo ngại là có thể vi phạm quy định WTO, hoặc làm thất thu ngân sách. Bà nghĩ thế nào?

- Đúng là chúng ta đang tìm dư địa để giảm giá xe và việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là một phương án được tính đến. Mục tiêu nhằm tạo ra sự tính toán khác nhau về cách tính thuế giữa linh phụ kiện sản xuất trong nước với nhập khẩu. Rõ ràng, với một lĩnh vực được xác định là ưu tiên phát triển, thì việc có chính sách can thiệp nhà nước là cần thiết và hoàn toàn làm được. Có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để làm so quy định đưa ra không trái cam kết hội nhập và điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, chính sách nào đưa ra cũng phải có đánh giá định lượng. Các kịch bản về việc giảm thuế phải có phân tích cụ thể, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động thế nào đến sản lượng, thu thuế ra sao, tạo việc làm thế nào, thúc đẩy ngành sản xuất phụ trợ và ngành công nghiệp ô tô ra sao?

Cũng cần lưu ý, làm chính sách cũng không nên lo mất và vì lợi ích trước mắt hay sợ thất thu gì cả, mà phải là bài toán tối ưu tổng thế và mang tính dự báo. Vì thuế giảm có thể kích thích sản xuất, các thuế khác tăng lên như thuế việc làm, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Đồng thời, để được hưởng chính sách thì cũng phải có những yêu cầu, tiêu chuẩn với nhà sản xuất, cung ứng linh phụ kiện, nhằm đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng vẫn luôn nghĩ xe nhập khẩu chất lượng hơn, tin tưởng hơn nên nếu không nâng cao chất lượng, thì cũng khó cạnh tranh và không phù hợp với người tiêu dùng.

* Thuế được coi là cú hích cho ngành xe hơi, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được cho là gặp khá nhiều thách thức. Bộ Công thương đang xây dựng đề án trong đó có đề xuất sẽ ưu đãi lãi suất, với mức bù lãi suất 3% trong thời hạn nhất định cho doanh nghiệp. Vậy theo bà có phù hợp hay không?

- Cần nhìn nhận thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa của ta không đáp ứng được và chưa sản xuất được sản phẩm đủ tiêu chuẩn mà nhà mua hàng mong muốn. Do đó, các hỗ trợ cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất. Với các SME thì thuế chỉ là một phần mà quan trọng hơn là phải có hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, vốn, tài chính.

Thực tế đã có nhiều chính sách hỗ trợ SME, công nghiệp hỗ trợ, nhưng vấn đề là thực hiện và chưa kết nối tốt. Hiện Cục Công nghiệp đang triển khai thực hiện các chương trình rồi, nhưng vai trò của các địa phương, khu công nghiệp cần nâng cao hơn, phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Cần phải ngồi lại với nhau, chính quyền và doanh nghiệp để cùng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những gì cần hỗ trợ, đường đi nước bước thế nào…

Hai là đẩy nhanh việc thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần phải có máy móc để doanh nghiệp có điều kiện được sản xuất thử nghiệm. Trọng tâm là nâng tiêu chuẩn kỹ thuật của SME, hỗ trợ các hoạt động khác như R&D, kinh phí, ứng dụng chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực và phát triển thị trường…

Song nếu chỉ thành lập vài trung tâm ở trung ương thì cũng không lan tỏa được. Các trung tâm ở trung ương nên đảm nhiệm các kỹ thuật khó, còn lại phải khuyến khích các địa phương mà chủ yếu là các đầu tầu kinh tế cũng tham gia thành lập các trung tâm. Như ở Nhật Bản tỉnh nào cũng có một trung tâm thử nghiệm sản xuất, phát triển công nghiệp như vậy. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu là từ Trung ương hoặc địa phương, song song với kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia vào và cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

Ba là với chính sách hỗ trợ về vốn, tài chính là rất cần thiết. Thực tế nguồn tiền ngân sách hỗ trợ hàng năm không thiếu, nhưng đang sử dụng không hiệu quả, thiếu trọng tâm, dàn trải. Vì vậy nếu có hỗ trợ như đề xuất, là bù lãi suất ở mức 3% trong thời gian nhất định, cũng là cần thiết.

Vấn đề là thực hiện phải có trọng tâm, lựa chọn doanh nghiệp đạt những tiêu chí nhất định để hỗ trợ chứ không nên cào bằng. Khi triển khai cũng phải đảm bảo minh bạch, giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm khâu xin cho, thân quen… chứ nếu thủ tục khó quá thì doanh nghiệp cũng khó tiếp cận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại