Giám sát chặt quá trình tăng vốn của doanh nghiệp
Bộ Tài chính yêu cầu giám sát chặt quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết, hạn chế tình trạng tăng vốn ảo...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.
Trước tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng đầu năm có nhiều biến động bất thường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dấu hiệu bất thường để xử lý.
Thẩm định chặt hồ sơ đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bộ yêu cầu các đơn vị rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; rà soát tham mưu nâng cao điều kiện thành lập quỹ tài chính… trình lãnh đạo Bộ trước ngày 30/9 để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch.
Các hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp cần được thẩm định chặt chẽ. Các yếu tố chú trọng gồm kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý những công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng.
Bộ Tài chính cũng giao cho các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm; có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe như rút giấy phép hành nghề, đình chỉ kinh doanh...
Đồng thời, các đơn vị liên quan cần chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng để qua mắt cơ quan quản lý tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán phải báo cáo nghiệp vụ
Đối với việc giám sát hoạt động của các công ty thành viên thị trường, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xây dựng khung báo cáo và các tiêu chí liên quan, trên cơ sở đó yêu cầu các công ty chứng khoán cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt tập trung vào một số nghiệp vụ như tự doanh, cấp margin, tư vấn môi giới đầu tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp... cũng như tình hình tăng vốn rất mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm nay.
Các cơ quan liên quan phải tăng cường giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh, giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường.
Trên cơ sở báo cáo của các công ty chứng khoán, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh tính chính xác của báo cáo, phân tích số liệu để từ đó chỉ ra những dấu hiệu bất thường nếu có trong hoạt động của các công ty chứng khoán.
Với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Bộ Tài chính yêu cầu nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí để cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi.
"Cần chủ động theo dõi chặt chẽ các tài khoản này và báo cáo lại Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính để phối hợp với NHNN, Bộ Công an xử lý. Trong trường hợp cần thiết đề nghị NHNN có biện pháp giám sát dòng tiền, đặc biệt là việc rút tiền, chuyển tiền số lượng lớn", chỉ thị nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán sớm đề xuất với Bộ nhu cầu tăng cường cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát tương xứng với quy mô và sự phát triển của thị trường, đảm bảo hiệu quả công tác thanh kiểm tra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận